Có thu học phí khi học nghề không?
Học nghề có được thu học phí không?
Căn cứ Điều 61 Bộ luật lao động 2019 quy định học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động:
1. Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.
3. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
4. Người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
5. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
6. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.
Như vậy, theo quy định trên thì khi người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề thì không được thu học phí. Trường hợp này tiệm nail em đến xin học nghề có hành vi thu học phí của học viên thì đang vi phạm pháp luật.
Học nghề có cần phải ký kết hợp đồng?
Tại Điều 16 Nghị định 139/2006/NĐ-CP quy định hợp đồng học nghề như sau:
1. Hợp đồng học nghề là sự thoả thuận về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề với người học nghề.
2. Các trường hợp sau đây phải giao kết hợp đồng học nghề bằng văn bản:
a) Học nghề trình độ sơ cấp;
b) Học nghề tại cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài;
c) Doanh nghiệp tuyển người vào học nghề để sau đó làm việc tại doanh nghiệp.
3. Các trường hợp sau đây có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng văn bản:
a) Truyền nghề;
b) Kèm cặp nghề tại doanh nghiệp.
4. Hợp đồng học nghề được giao kết trực tiếp giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề với người học nghề. Trường hợp giao kết bằng văn bản thì hợp đồng học nghề được lập thành hai bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ một bản.
Do đó, để giao kết hợp đồng học nghề nó còn tùy thuộc vào từng trường hợp mà theo quy định của pháp luật đã được nêu trên.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân