Điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở

Năm 1998, không có giấy phép xây dựng, gia đình tôi vẫn xây dựng ngôi nhà cấp 4 trên diện tích đất do cơ quan cấp trước đó. Năm 2007, khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở, không có hộ gia đình nào trong khu tập thể khiếu kiện hay tranh chấp đối với ngôi nhà này. Nay cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCN quyền sử dụng đất ở cho gia đình tôi, nhưng không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đối với ngôi nhà. Đề nghị luật sư cho biết, việc làm này có đúng quy định của pháp luật hay không?

Theo quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19-10-2009 về cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, để được cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, chủ sở hữu nhà ở phải có một trong các giấy tờ sau: Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 5-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 5-7-1994; Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội khóa XI, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 2-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của ủy ban nhân dân (UBND) theo quy định của pháp luật; Bản án hoặc quyết định của tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc thông qua hình thức khác thì phải có văn bản về giao dịch đó. 


Trường hợp nhà ở do mua của doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở do hai bên ký kết; nếu mua nhà kể từ ngày 1-7-2006 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) thì ngoài hợp đồng mua bán nhà ở, bên bán nhà ở còn phải có một trong các giấy tờ về dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán. Nếu người sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ nêu trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 1-7-2006 có chữ ký của các bên có liên quan và phải được UBND cấp xã xác nhận; trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 1-7-2006 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được UBND cấp xã xác nhận về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở đó.

Trường hợp chủ sở hữu không có một trong những giấy tờ nêu trên thì phải được UBND cấp xã xác nhận nhà ở đã được xây dựng trước ngày 1-7-2006, không có tranh chấp, xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật; nếu nhà ở xây dựng từ ngày 1-7-2006 thì phải được UBND cấp xã xác nhận không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng, không có tranh chấp và đáp ứng điều kiện về quy hoạch.

Nếu đáp ứng một trong những điều kiện nêu trên, ông Nguyễn Văn Thịnh có thể làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định pháp luật.

Theo Hà Nội Mới

 
Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nhà ở

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào