Mục đích và phạm vi của hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ với nguồn Alpha ra sao?
Hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ với nguồn Alpha có mục đích và phạm vi như nào?
Tại Tiểu mục 1, Tiểu mục 2 Mục I Phụ lục III.2 ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHCN (có hiệu lực từ 22/7/2022) có quy định mục đích và phạm vi của hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ với nguồn Alpha như sau:
1. Mục đích
Quy trình này quy định hoạt động hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ với nguồn alpha nhằm xác định các chỉ số của thiết bị cũng như chức năng đo lường (đại lượng đo đạc) biểu thị đúng dưới điều kiện hiệu chuẩn.
2. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy trình này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dịch vụ hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ với nguồn alpha; các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Quy trình của hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ với nguồn Alpha có nội dung ra sao?
Theo Tiểu mục 3 Mục I Phụ lục III.2 ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHCN (có hiệu lực từ 22/7/2022) hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ với nguồn Alpha có nội dung quy trình như sau:
3.1. Sơ đồ
3.2. Diễn giải
Bước 1: Chuẩn bị hiệu chuẩn
- Sử dụng máy đo liều cầm tay (gọi tắt là PSM) trong suốt quy trình.
- Đeo liều kế cá nhân nhằm đánh giá tương đương liều cá nhân trong quá trình hiệu chuẩn.
- Bật máy điều hòa không khí và hút ẩm để đảm bảo cho điều kiện môi trường trong phòng chuẩn.
- Bật khối điều khiển, máy tính, hệ thống laser và camera để hệ thống ổn định.
- Kiểm tra thông số các thiết bị khảo sát suất liều xung quanh khu vực chuẩn máy để đảm bảo mức phông khi tiến hành hiệu chuẩn. Ghi lại giá trị suất liều của phông môi trường đo được.
- Khử khuẩn, đeo găng tay và khẩu trang trước khi tiến hành các công việc tiếp theo.
- Bật PSM cần hiệu chuẩn, tiến hành vệ sinh và thay pin máy trong trường hợp cần thiết. Chờ để PSM hoạt động ổn định. Trong thời gian chờ, ghi lại các thông tin về PSM bao gồm:
+ Tên đơn vị sử dụng.
+ Tên PSM cần hiệu chuẩn, model, seri (ghi lại đầy đủ các thông số của detector và bộ hiển thị đi kèm).
+ Đại lượng PSM sử dụng để hiệu chuẩn, các dải đo làm việc của máy.
+ Ghi lại giá trị phông đo được của PSM.
Bước 2: Tiến hành hiệu chuẩn
- Tính hoạt độ của nguồn tại thời điểm hiệu chuẩn và ghi lại.
- Đeo kính chì trong quá trình hiệu chuẩn nguồn beta.
- Đặt nguồn lên bàn hiệu chuẩn và sử dụng tấm plastic dày 5 mm với hình tròn khoét giữa có đường kính là 5 cm.
- Đặt thước thăng bằng lên hệ và kiểm tra sự thăng bằng.
- Kiểm tra sự tuyến tính của giá trị đo bằng cách đưa ra xa hoặc lại gần nguồn bức xạ và theo dõi giá trị đo của máy.
- Kiểm tra giá trị đo của máy tại tâm detector so với các vị trí xung quanh và tiến hành đánh giá sơ bộ.
- Đợi sự ghi nhận của máy ổn định và tiến hành ghi lại khoảng 10 số liệu mà máy nhận được.
- Nếu có bất thường về giá trị đo của máy như: số cao bất thường hay thấp bất thường, tiến hành kiểm tra lại toàn bộ kết nối và hệ thống ghi nhận của máy. Trong trường hợp không giải quyết được, báo cáo với người quản lý kỹ thuật để đưa ra phương án hợp lý nhất.
Bước 3: Xử lý số liệu và đánh giá kết quả
Các số liệu ghi nhận được sẽ được sử dụng để tính hiệu suất ghi của máy.
Bước 4: Báo cáo kết quả hiệu chuẩn
Tổng hợp và báo cáo kết quả hiệu chuẩn bằng văn bản.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân