Mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đều có tòa án nhân dân cấp huyện?
Có bắt buộc mỗi đơn vị hành chính cấp huyện đều có tòa án nhân dân cấp huyện hay không?
Tại Điều 4 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 có quy định về thẩm quyền thành lập, giải thể Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án quân sự như sau:
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân cấp cao và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án quân sự khu vực, Tòa án quân sự quân khu và tương đương và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Căn cứ theo quy định hiện hành, pháp luật không quy định bắt buộc mỗi đơn vị hành chính cấp huyện phải có tòa án cấp huyện. Việc thành lập tòa án cấp huyện sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Cơ quan nào có thẩm quyền giám sát hoạt động của tòa án?
Điều 19 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 có quy định về giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân như sau:
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân theo quy định của luật.
Theo đó, các cơ quan được liệt kê trên sẽ có thẩm quyền giám sát hoạt động của tòa án.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân