Cơ quan nào có thẩm quyền giải thể tòa án nhân dân huyện?
Cơ quan nào có thẩm quyền giải thể tòa án huyện?
Tại Điều 4 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 có quy định về thẩm quyền thành lập, giải thể Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án quân sự như sau:
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân cấp cao và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án quân sự khu vực, Tòa án quân sự quân khu và tương đương và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ có thẩm quyền giải thể tòa án nhân dân huyện.
Có được sử dụng tiếng của người dân tộc thiểu số ở tòa án?
Tại Điều 15 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 có quy định về tiếng nói, chữ viết dùng trước Tòa án nhân dân như sau:
Tiếng nói, chữ viết dùng trước Tòa án là tiếng Việt.
Tòa án bảo đảm cho những người tham gia tố tụng quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Tòa án nhân dân, trường hợp này phải có phiên dịch.
Như vậy, trong trường hợp có người dân tộc thiểu số thì những người này sẽ được dùng tiếng nói, chữ viết của mình. Tuy nhiên, cần phải có phiên dịch.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân