Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 5, loại 8 bao gồm những gì?
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 5, loại 8 bao gồm?
Căn cứ Khoản 1 Điều 17 Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 5, loại 8 như sau:
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 5, loại 8 bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Nghị định này;
b) Bản sao Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó phải có loại hình kinh doanh vận tải hàng hoá (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô) hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải đường thuỷ nội địa);
c) Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách phương tiện tham gia vận chuyển kèm theo bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
d) Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Đối với vận chuyển hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa gửi kèm theo bản sao chứng chỉ chuyên môn đặc biệt (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
đ) Bản sao hoặc bản chính phương án tổ chức vận chuyển, hàng hoá nguy hiểm của đơn vị vận chuyển, trong đó nêu rõ tuyến đường, lịch trình vận chuyển, biện pháp ứng cứu sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng hoá nguy hiểm;
e) Bản sao hoặc bản chính Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm, kết quả kiểm định đối với vật liệu bao gói, thùng chứa hàng nguy hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 gồm những gì?
Theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 như sau:
2. Hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Nghị định này;
b) Bản sao Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó phải có loại hình kinh doanh vận tải hàng hoá (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải đường thuỷ nội địa);
c) Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách phương tiện tham gia vận chuyển kèm theo bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
d) Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Đối với vận chuyển hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa gửi kèm theo bản sao chứng chỉ chuyên môn đặc biệt (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
đ) Bản sao hoặc bản chính phương án tổ chức vận chuyển hàng hoá nguy hiểm của đơn vị vận chuyển, trong đó nêu rõ tuyến đường, lịch trình vận chuyển hàng hoá nguy hiểm;biện pháp ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ; Bản sao hoặc bản chính Phương án ứng phó sự cố tràn dầu (áp dụng đối với trường hợp vận tải xăng dầu trên đường thủy nội địa);
e) Bản sao hoặc bản chính hợp đồng mua bán, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp hoặc văn bản cho phép thử nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển đi thử nổ công nghiệp) hoặc quyết định hủy vật liệu nổ công nghiệp (trường hợp vận chuyển đi hủy) của cơ quan có thẩm quyền;
g) Bản sao hoặc bản chính biên bản kiểm tra của Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền về điều kiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp của người áp tải, người điều khiển phương tiện và phương tiện vận chuyển (kèm theo bản chính để đối chiếu);
h) Bản sao hoặc bản chính giấy đăng ký khối lượng, chủng loại và thời gian tiếp nhận của cơ quan trực tiếp quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp được vận chuyển đến hoặc văn bản cho phép về địa điểm bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
i) Bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp;
k) Bản sao hoặc bản chính văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất khẩu hoặc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ Việt Nam ra nước ngoài (trường hợp vận chuyển ra nước ngoài).
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh