Luật sư nước ngoài có thể làm việc tại công ty luật không?
1. Luật sư nước ngoài được làm việc tại công ty luật hay không?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 123/2013/NĐ-CP có quy định về thuê luật sư nước ngoài làm việc cho tổ chức hành nghề luật sư như sau:
Tổ chức hành nghề luật sư có thể ký kết hợp đồng lao động thuê luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam làm việc cho tổ chức mình. Quyền và nghĩa vụ của luật sư nước ngoài làm thuê cho tổ chức hành nghề luật sư được thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với Luật luật sư, Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động thuê luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động kèm theo hợp đồng lao động.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thuê luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.
Theo Khoản 1 Điều 32 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Khoản 15 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định về hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư như sau:
1. Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:
a) Văn phòng luật sư;
b) Công ty luật.
Theo đó, luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam có thể làm việc tại công ty luật là tổ chức hành nghề luật sư.
2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thu hồi Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài hay không?
Tại Điều 41 Nghị định 123/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 10 Điều 1 Nghị định 137/2018/NĐ-CP quy định về các trường hợp thu hồi Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài như sau:
1. Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không đủ điều kiện hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài theo quy định tại Điều 74 của Luật luật sư; không được gia hạn Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam hoặc hết thời hạn hành nghề ghi trong Giấy phép nhưng không làm thủ tục gia hạn;
b) Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép hành nghề tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
c) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Thôi hành nghề luật sư tại Việt Nam theo nguyện vọng;
đ) Không được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động trong khoảng thời gian 06 tháng liên tục;
e) Không còn tư cách hành nghề luật sư tại nước ngoài.
Theo đó, Luật sư nước ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị thu hồi Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo