Trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân sẽ bị thu hồi nếu không sử dụng trong bao lâu?
Trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân không sử dụng trong bao lâu sẽ bị thu hồi?
Tại Khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có quy định về các trường hợp thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước như sau:
1. Tài sản công bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Trụ sở làm việc không sử dụng liên tục quá 12 tháng;
b) Được Nhà nước giao trụ sở mới hoặc đầu tư xây dựng trụ sở khác để thay thế;
c) Tài sản được sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn;
d) Chuyển nhượng, bán, tặng cho, góp vốn, sử dụng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định;
đ) Tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ;
e) Phải thay thế do yêu cầu đổi mới kỹ thuật, công nghệ theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền;
g) Cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại tài sản cho Nhà nước;
h) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ theo quy định hiện hành, trường hợp trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân không sử dụng liên tục trong vòng 12 tháng thì sẽ bị thu hồi theo quy định.
Có được tháo gỡ những thiết bị trong trụ sở Ủy ban nhân dân khi có quyết định thu hồi tài sản công?
Khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 có quy định về vấn đề thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước như sau:
2. Cơ quan nhà nước có tài sản bị thu hồi có trách nhiệm bàn giao tài sản cho cơ quan quy định tại khoản 3 Điều này theo đúng quyết định thu hồi. Nghiêm cấm việc tháo dỡ, thay đổi các bộ phận của tài sản đã có quyết định thu hồi.
Theo đó, không được tháo gỡ những thiết bị trong trụ sở của Ủy ban nhân dân khi đã có quyết định thu hồi tài sản công.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân