Sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được quy định như thế nào?
Sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được quy định như thế nào?
Tại Điều 14 Nghị định 135/2021/NĐ-CP về sử dụng bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được quy định như sau:
1. Việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây:
a) Cơ quan, đơn vị sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bố trí kho lưu trữ, thiết bị, phương tiện cần thiết và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ, bảo quản an toàn tài liệu theo quy định của pháp luật về lưu trữ và pháp luật có liên quan;
b) Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được lưu vào hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính.
2. Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được ghi nhận bằng văn bản, gồm các thông tin cơ bản sau:
a) Tên cơ quan, đơn vị và chữ ký, họ tên của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm (trường hợp xác minh được);
c) Bản ảnh, hình ảnh (đối với thiết bị ghi hình, phương tiện đo tốc độ phương tiện giao thông có ghi hình ảnh); âm thanh (đối với thiết bị ghi âm);
d) Chỉ số đo, phân tích (đối với phương tiện, thiết bị có chức năng đo lường, phân tích, kiểm định);
đ) Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
e) Hành vi vi phạm hoặc kết luận về kết quả đo lường, phân tích, kiểm định;
g) Các thông tin khác liên quan đến hành vi vi phạm (nếu có).
3. Thời hạn sử dụng kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quá thời hạn nói trên mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm không ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền thì kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không còn giá trị sử dụng.
Xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định như thế nào?
Theo Điều 15 Nghị định này về xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ quy định như sau:
1. Khi có kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và thực hiện theo các bước sau:
a) Xác định thông tin về tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính;
b) Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để giải quyết vụ việc, trừ trường hợp người có thẩm quyền đã xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm tại địa điểm, tuyến, địa bàn xảy ra hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính;
c) Lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm;
d) Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp tỉnh khác và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm hoặc vi phạm trật tự, an toàn giao thông ở địa bàn cấp huyện này nhưng đóng trụ sở, cư trú ở địa bàn cấp huyện khác mà việc đi lại gặp khó khăn và tổ chức, cá nhân vi phạm không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị đã phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để giải quyết vụ việc vi phạm, thì người có thẩm quyền đang thụ lý giải quyết vụ việc chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan, đơn vị cấp dưới hoặc cùng cấp, nơi tổ chức, cá nhân đóng trụ sở, cư trú để tiếp tục thực hiện các bước xử lý theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Văn bản thông báo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này có thể được gửi bằng phương thức điện tử đến tổ chức, cá nhân vi phạm trong trường hợp cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin, yêu cầu về giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài