Mục tiêu cụ thể đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” ra sao?

Mục tiêu cụ thể đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” như thế nào? Giải pháp chung đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”? Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ

Mục tiêu cụ thể đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” như thế nào?

Tại Tiểu mục 2 Mục II Điều 1 Quyết định 689/QĐ-TTg năm 2022 có quy định về mục tiêu cụ thể đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” như sau:

2. Mục tiêu cụ thể

a) Triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các NHTM Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.

b) TCTD phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025 như sau:

- Đối với TCTD đang hoạt động (không bao gồm NHTM, Công ty tài chính (CTTC), Công ty cho thuê tài chính (CTCTTC) yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt):

+ Đối với các NHTM: (i) Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn: vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; (ii) Nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng;

+ Đối với CTTC: vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng;

+ Đối với CTCTTC: vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.

- Đối với NHTM, CTTC, CTCTTC yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt/thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt: phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

c) Phấn đấu có ít nhất từ 2 - 3 NHTM nằm trong top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất (theo tiêu chí sức mạnh) trong khu vực châu Á; hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NHTM cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam và phấn đấu có 1 - 2 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế.

d) Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

đ) Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân; đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ thanh toán.

e) Phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM lên khoảng 16 - 17% vào cuối năm 2025. Tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon.

g) Phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên QTDND, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và địa bàn có nhiều khó khăn.

h) Phát triển hệ thống các tổ chức tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững, hướng tới mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ với các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng, linh hoạt, phù hợp, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

i) Hoàn thiện mô hình, chức năng và cơ chế hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX) có đủ năng lực tài chính, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát, hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững để thực hiện tốt vai trò là ngân hàng của tất cả các QTDND (thực hiện tính liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, đảm bảo an toàn hệ thống các QTDND), hỗ trợ thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể là hợp tác xã khác trên phạm vi toàn quốc.

k) Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).

Giải pháp chung đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”?

Tại Tiết a Tiểu mục 1 Mục III Điều 1 Quyết định 689/QĐ-TTg năm 2022 có quy định về giải pháp chung đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” như sau:

1. Nhóm giải pháp chung

a) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

- Về khuôn khổ pháp lý cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của TCTD:

+ Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng như sau: (i) Nghiên cứu, xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; (ii) Nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; (iii) Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá khoản nợ, đảm bảo khách quan trong việc thẩm định giá của các khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu).

+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động của VAMC, Công ty trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC) để tăng cường vai trò, hiệu quả xử lý nợ xấu của VAMC, DATC.

- Về chính sách đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát:

+ Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về mức vốn pháp định của TCTD, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

+ Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của 01 cổ đông, cổ đông và người có liên quan của cổ đông để hạn chế việc chi phối, thâu tóm, đảm bảo tính đại chúng của TCTD.

+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định, có hướng dẫn về chế độ tài chính, chế độ kế toán để các TCTD áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) phù hợp với Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam ban hành theo Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

+ Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy định về an toàn hoạt động, quản lý, điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác đối với hệ thống QTDND phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng (đã sửa đổi, bổ sung).

- Về quy định cấp phép thành lập mới và phát triển mạng lưới các TCTD: Rà soát, bổ sung các quy định hiện hành về điều kiện cấp phép, tổ chức và hoạt động (đặc biệt là các tiêu chí về tài chính, năng lực quản trị, điều hành và tuân thủ pháp luật) của TCTD nói chung, TCTD 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nói riêng.

- Về quy định thành lập và hoạt động ngân hàng số, chuyển đổi số và hoạt động thanh toán: Nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung để từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số, hoạt động thanh toán và các quy định pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, thanh toán ngân hàng.

- Về quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon: Nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các TCTD thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít các-bon; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để xanh hóa hoạt động ngân hàng.

- Về khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác cơ cấu lại, xử lý nợ xấu:

+ Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về phát triển thị trường mua bán nợ và quản lý giám sát thị trường mua bán nợ, khuyến khích các bên tham gia vào thị trường mua bán nợ để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ phát triển.

+ Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tăng vốn cho các TCTD có vốn nhà nước.

+ Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu của TCTD tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện.

Trân trọng!

 

Huỳnh Minh Hân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào