Giám định viên tư pháp có thể là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không?
Giám định viên tư pháp có thể là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không?
Theo Điều 7 Luật Giám định viên tư pháp 2012 quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp, theo đó:
1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;
c) Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.
2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
c) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết khoản 1 Điều này đối với giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Như vậy, bạn là người Pháp không đủ tiêu chuẩn để được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam và phải đáp ứng được các điều kiện nêu ở Khoản 1 Điều này.
Vi phạm quy định về hoạt động giám định tư pháp bị xử lý như thế nào?
Tại Điều 20 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về hoạt động giám định tư pháp như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kéo dài thời gian thực hiện giám định mà không có lý do chính đáng;
b) Không ghi nhận kịp thời, đầy đủ toàn bộ quá trình thực hiện giám định bằng văn bản;
c) Không thực hiện đầy đủ các quy định về lập, lưu giữ, bảo quản hồ sơ giám định;
d) Không tạo điều kiện để người giám định tư pháp thực hiện giám định;
đ) Không giải thích kết luận giám định theo yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định mà không có lý do chính đáng;
e) Thông báo không đúng thời hạn hoặc không thông báo bằng văn bản theo quy định cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định trong trường hợp từ chối giám định.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đánh tráo hoặc có hành vi làm sai lệch đối tượng giám định;
b) Không bảo quản các mẫu vật, tài liệu có liên quan đến vụ việc giám định;
c) Tiết lộ nội dung kết luận giám định cho người khác mà không được người trưng cầu, người yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản;
d) Không lập, lưu giữ hồ sơ giám định;
đ) Không thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định;
e) Không tuân thủ quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn trong quá trình thực hiện giám định;
g) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung kết luận giám định;
h) Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp;
i) Không phân công hoặc phân công người không có khả năng chuyên môn phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định;
k) Đưa ra bản kết luận giám định không tuân thủ về hình thức hoặc nội dung theo quy định;
l) Kết luận giám định những vấn đề không thuộc phạm vi chuyên môn được yêu cầu.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng việc giám định để trục lợi;
b) Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định;
c) Từ chối đưa ra kết luận giám định mà không có lý do chính đáng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
d) Kết luận giám định sai sự thật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Thực hiện giám định trong trường hợp phải từ chối giám định theo quy định của pháp luật;
e) Ghi nhận không trung thực kết quả trong quá trình giám định mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét việc sử dụng kết luận giám định khi phát hiện vi phạm làm ảnh hưởng đến nội dung kết luận giám định đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, đ, e, g và i khoản 2, các điểm d, đ và e khoản 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
Theo đó, nếu vi phạm các quy định về giám định tư pháp sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 15.000.000 đồng, còn thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài