Được giữ thi thể bà ngoại bao lâu trước khi hỏa táng? Khi di chuyển thi thể bà ngoại cần chú ý gì?
Được giữ thi thể bà ngoại là bao lâu trước khi hỏa táng?
Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Thông tư 21/2021/TT-BYT quy định về giải thích từ ngữ như sau:
4. Quàn là việc thực hiện lưu giữ, bảo quản thi thể của người chết trước khi mai táng hoặc hỏa táng.
Căn cứ Điều 4 Thông tư trên quy định về vệ sinh trong quàn thi thể như sau:
1. Thời gian quàn thi thể không quá 48 giờ kể từ khi chết trong điều kiện không có bảo quản lạnh.
2. Thời gian quàn thi thể không quá 07 ngày kể từ khi chết trong điều kiện bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 4°C trở xuống.
3. Trường hợp phải quàn thi thể lâu hơn thời gian quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ -10oC trở xuống.
4. Trường hợp có nhiều người chết do thiên tai, thảm họa, thời gian quàn thi thể do người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm khắc phục thiên tai, thảm họa quyết định.
Theo đó, tuỳ điều kiện bảo quản thì thi thể của bà ngoại bạn được giữ lại trước khi hỏa táng. Nếu để ở nhiệt độ bình thường thì bạn chỉ có thể giữ không quá 48 giờ. Thi thể bà ngoại bạn sẽ được giữ lâu hơn 7 ngày nếu bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ -10oC trở xuống.
Khi di chuyển thi thể cần chú ý gì?
Căn cứ Điều 6 Thông tư này quy định về vệ sinh trong di chuyển thi thể như sau:
1. Vệ sinh trong di chuyển thi thể:
a) Di chuyển thi thể trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam: trường hợp di chuyển bằng đường bộ, thi thể được bao bọc kín bằng các vật liệu không thấm nước và được di chuyển bằng phương tiện riêng. Trường hợp di chuyển bằng đường hàng không, đường thủy hoặc đường sắt thi thể được đặt ở hòm riêng và kín;
b) Di chuyển thi thể qua biên giới, thi thể phải được đặt trong quan tài ba lớp: lớp trong làm bằng kẽm hoặc bằng vật liệu khác có khả năng chịu lực, không rò rỉ, có lót chất hút ẩm và được hàn kín; lớp giữa làm bằng gỗ; lớp ngoài làm bằng ván ép;
c) Trường hợp người chết với số lượng lớn trong thiên tai, thảm họa, việc sử dụng phương tiện di chuyển thi thể do người đứng đầu tổ chức chịu trách nhiệm khắc phục thiên tai, thảm họa quyết định nhưng bảo đảm thi thể được bọc kín, không bị rò rỉ, không thấm nước, không bị bục, vỡ trong quá trình di chuyển.
2. Vệ sinh trong di chuyển hài cốt, tro cốt: khi di chuyển hài cốt, tro cốt phải được đặt trong các vật dụng bảo đảm không bị rò rỉ, không thấm nước, không bị bục, vỡ trong quá trình di chuyển.
Như vậy, khi di chuyển thi thể bà bạn đi hoả táng bạn cần chú ý: thi thể được bao bọc kín bằng các vật liệu không thấm nước và được di chuyển bằng phương tiện riêng.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo