Người đã là luật sư thì có được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại hay không?
Người đã là luật sư thì có được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại?
Dạ, xin hỏi chú tôi trước là luật sư nhưng sau này đã tự nguyện rút khỏi nghề, giờ chuyển qua Thừa phát lại. Như vậy, xin được hỏi: Người đã là luật sư thì có được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 7 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Miễn đào tạo nghề Thừa phát lại đối với người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; luật sư, công chứng viên đã hành nghề từ 05 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; người đã là thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự.
Như vậy, theo như trường hợp của bạn trình bày thì chưa thể xác định được số năm hành nghề nên chưa thể biết chính xác được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại hay không, bạn căn cứ: Nếu là luật sư hành nghề từ 05 năm trở lên nhé.
Em trai của Thẩm phán có được hành nghề Thừa phát lại không?
Liên quan đến quy định về Thừa phát lại, xin hỏi em trai của Thẩm phán có được hành nghề Thừa phát lại không? Vì tôi sợ người thân thích trong mối quan hệ hành nghề pháp luật này có cấm không?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm thừa phát lại như sau:
1. Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.
2. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
3. Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.
4. Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 của Nghị định này.
5. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.
Như vậy, theo quy định trên thì có thể thấy em trai làm Thừa phát lại mà có anh là Thẩm phán cũng không ảnh hưởng gì, hơn nữa hiện nay pháp luật không đặt ra quy định cấm về vấn đề này.
Có giới hạn việc thành lập văn phòng Thừa phát lại tại một địa phương không?
Theo quy định thì luật có quy định giới hạn số lượng mở văn phòng Thừa phát lại tại một địa phương không? Mong sớm nhận hồi đáp.
Tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
- Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
- Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
- Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;
- Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì số lượng mở văn phòng Thừa phát lại tại một địa phương được xác định dựa trên nhu cầu, điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương đó. Nhưng nếu là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thì một quận không quá 2 Văn phòng. Còn nếu cấp huyện thì không quá 1 Văn phòng.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân