Cha, mẹ có được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi nhận con nuôi hay không?
Cha, mẹ có được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi nhận con nuôi không?
Vợ chồng tôi đều đi làm và tham gia đóng BHXH đầy đủ. Do hiếm muộn, cho nên chúng tôi mới nhận một bé trai 2 tháng tuổi làm con nuôi (đã làm thủ tục nhận con nuôi đầy đủ). Nghe nói chúng tôi sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi. Vậy cho hỏi, vợ chồng tôi có được nghỉ hết không? Hay chỉ một trong hai thôi.
Trả lời:
Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi như sau:
Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.
Theo đó, khi anh chị nhận nuôi cháu bé 2 tháng tuổi làm con nuôi, nếu cả anh chị đều đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định (Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi) thì chỉ một trong hai người được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Một trong hai anh chị sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi cháu đủ 06 tháng tuổi.
Đại biểu HĐND cấp xã có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con không?
Cho hỏi: Theo quy định của pháp luật thì Đại biểu HĐND cấp xã có được hưởng chế độ thai sản khi sinh con không ạ?
Trả lời:
Tại Điều 30 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có quy định:
Điều 30. Đối tượng áp dụng chế độ thai sản
Đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Theo đó những đối tượng trên bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
Như vậy, nếu một người vừa là Đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã vừa thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì khi sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản (nếu đáp ứng đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH từ đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh)
Vì nghỉ thai sản nên nhà trường phân công dạy lưu động có đúng không?
Vui lòng cho hỏi. Năm nay em nghỉ thai sản nên nhà trường phân công dạy lưu động ở các lớp trong trường tại đơn vị công tác. Như vậy có đúng không ạ? Em xin cám ơn ạ.
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014, có quy định:
Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Như vậy, bạn là giáo viên có tham gia BHXH bắt buộc nên bạn sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau sinh là 6 tháng.
Còn việc lấy lý do vì bạn nghỉ thai sản 6 tháng mà nhà trường phân công bạn dạy lưu động tại các lớp. Hiện tại chưa có quy định cụ thể, nhưng với trường hợp của bạn cũng có thể do bạn không dạy nguyên năm học nên việc phân công bạn chủ nhiệm một lớp học hay dạy cố định là rất khó trong việc sắp xếp lịch của nhà trường. Bạn nên gặp trực tiếp ban giám hiệu để thỏa thuận về vấn đề này bạn nhé!
Trân trọng.
Mạc Duy Văn