Tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh như thế nào?
Tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh?
Tại Điều 12 Quy định 67-QĐ/TW năm 2022 có quy định về tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh như sau:
1. Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ.
2. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh:
a) Phó bí thư thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ.
b) Trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ.
c) Trưởng ban tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ.
d) Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành uỷ.
đ) Giám đốc công an tỉnh, thành phố.
Trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
3. Các Uỷ viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh:
a) Trưởng ban tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ.
b) Chánh văn phòng tỉnh uỷ, thành uỷ.
c) Chánh án toà án nhân dân tỉnh, thành phố.
d) Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố.
đ) Chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.
e) Giám đốc sở tư pháp tỉnh, thành phố.
g) Chánh thanh tra tỉnh, thành phố.
h) Chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố.
i) Phó trưởng ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ.
4. Ngoài thành phần, cơ cấu nêu trên, trường hợp thật cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu thành viên của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thì ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương trước khi quyết định.
5. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm Trưởng ban và các Phó Trưởng ban.
6. Ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Chế độ làm việc của ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh?
Tại Điều 13 Quy định 67-QĐ/TW năm 2022 có quy định về chế độ làm việc của ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh như sau:
1. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh làm việc theo chương trình hằng năm, họp thường kỳ 3 tháng một lần, họp đột xuất khi cần. Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp thường kỳ hằng tháng, họp đột xuất khi cần.
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, Trưởng ban quyết định triệu tập các phiên họp đột xuất của Ban Chỉ đạo, cuộc họp đột xuất của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
2. Kết luận các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thông báo bằng văn bản đến các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương và cá nhân có liên quan để thực hiện.
3. Khi cần thiết, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức hội nghị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc hội nghị chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ.
4. Định kỳ hằng tháng và khi cần thiết, các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh báo cáo bằng văn bản với Trưởng ban về kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công.
5. Trong thời gian Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh không họp, nếu có vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần phải giải quyết khẩn trương, kịp thời, Cơ quan Thường trực có trách nhiệm gửi văn bản xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và tổng hợp, báo cáo Trưởng ban xem xét, quyết định; đồng thời thông báo kết quả tới các thành viên Ban Chỉ đạo hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân