Có được giữ bí mật thông tin khi tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ hay không?
Có được giữ bí mật thông tin khi tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo 2018 quy định về quyền của người tố cáo như sau:
1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;
b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
c) Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;
d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;
đ) Rút tố cáo;
e) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;
g) Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi anh/chị tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ xã thì sẽ được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác.
Cán bộ có phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra sau khi nhận kết luận hành vi tố cáo không?
Theo Khoản 2 Điều 10 Luật Tố cáo 2018 quy định về nghĩa vụ của người bị tố cáo như sau:
2. Người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo;
b) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
d) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
Theo đó, cán bộ xã thực hiện hành vi trái pháp luật mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh