Hai vợ chồng có bắt buộc phải theo cùng một tôn giáo không?
Hai vợ chồng có bắt buộc phải theo cùng một tôn giáo hay không?
Tại Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng như sau:
Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
Cũng tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định:
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
Căn cứ theo quy định hiện hành, pháp luật không bắt buộc hai vợ chồng phải thống nhất cùng theo một tôn giáo. Mỗi bên đều có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng lẫn nhau.
Vợ chồng không sống cùng nhau có được hay không?
Tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về vấn đề tình nghĩa vợ chồng như sau:
1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Theo đó, vợ chồng có quyền không sống cùng nhau nếu hay bên có thỏa thuận hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Trân trọng!
Huỳnh Minh Hân