Yêu cầu bảo đảm an ninh vận chuyển vật liệu hạt nhân đối với vật liệu hạt nhân Nhóm I được quy định thế nào?
Yêu cầu bảo đảm an ninh vận chuyển vật liệu hạt nhân đối với vật liệu hạt nhân Nhóm I được quy định như thế nào?
Tiểu mục 1 Mục II Phần II Phụ lục I Yêu cầu bảo đảm an ninh đối với nguồn phóng xạ và vận chuyển vật liệu hạt nhân ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về Yêu cầu bảo đảm an ninh vận chuyển vật liệu hạt nhân đối với vật liệu hạt nhân Nhóm I như sau:
1. Đối với vật liệu hạt nhân Nhóm I
a) Quy định trách nhiệm, quyền hạn của từng đơn vị, cá nhân liên quan bao gồm lực lượng bảo vệ;
b) Vận chuyển kiện hàng vật liệu hạt nhân bàng phương tiện vận chuyển kín có khóa hoặc trong khoang chở hàng hoặc công-te-nơ vận chuyển kín có khóa; trường hợp kiện hàng có khối lượng lớn hơn 2.000 kilogram đã được khóa hoặc niêm phong thì có thể vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển hở;
c) Có tuyến đường vận chuyển chính và tuyến đường vận chuyển dự phòng trong trường hợp tuyến đường vận chuyển chính không thực hiện được;
d) Có trung tâm kiểm soát vận chuyển, có bố trí nhân viên của bên gửi hàng và bên vận chuyển trực trong quá trình vận chuyển để theo dõi vị trí của phương tiện vận chuyển, tình trạng an ninh của chuyến vận chuyển, duy trì liên lạc với những người tham gia vận chuyển, lực lượng ứng phó và báo động cho lực lượng ứng phó trong trường hợp có sự tấn công;
đ) Có lực lượng bảo vệ và lực lượng công an tham gia quá trình vận chuyển để giám sát và ứng phó sự cố mất an ninh;
e) Có quy trình chỉ dẫn nhân viên bảo vệ báo cáo về trung tâm kiểm soát vận chuyển thường xuyên và ngay khi chuyến hàng đến nơi nhận cuối cùng, nơi nghỉ qua đêm hoặc nơi chuyển giao vật liệu hạt nhân;
g) Có quy trình về bảo mật thông tin;
h) Tùy thuộc vào từng phương thức vận chuyển, phải thực hiện các yêu cầu bổ sung sau:
- Đối với vận chuyển bằng đường bộ, có phương tiện vận chuyển riêng biệt, phương tiện có thiết kế để chống lại sự tấn công và lắp đặt thiết bị có thể khóa hoạt động phương tiện; có ít nhất một nhân viên bảo vệ cho mỗi xe vận chuyển ngoài người điều khiển phương tiện; mỗi xe vận chuyển có ít nhất một xe đi kèm chở nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ giám sát, bảo vệ xe vận chuyển và ứng phó khi cần thiết;
- Đối với vận chuyển bằng đường sắt, phải đặt vật liệu hạt nhân trong toa chở hàng đặc biệt; có nhân viên bảo vệ ở trong toa gần nhất với toa có vật liệu hạt nhân;
- Đối với vận chuyển bằng đường thủy, phải sử dụng tàu vận chuyển riêng biệt để chuyên chở vật liệu hạt nhân;
- Đối với vận chuyển bằng đường không, phải sử dụng máy bay chuyên chở hàng và vật liệu hạt nhân là hàng hóa duy nhất được chuyên chở trên máy bay.
Yêu cầu bảo đảm an ninh vận chuyển vật liệu hạt nhân đối với vật liệu hạt nhân Nhóm II, Nhóm III như thế nào?
Tiểu mục 2, Tiểu mục 3 Mục II Phần II Phụ lục I Yêu cầu bảo đảm an ninh đối với nguồn phóng xạ và vận chuyển vật liệu hạt nhân ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về Yêu cầu bảo đảm an ninh vận chuyển vật liệu hạt nhân đối với vật liệu hạt nhân Nhóm II, Nhóm III như sau:
2. Đối với vật liệu hạt nhân nhóm II
a) Đáp ứng các yêu cầu quy định tại các điểm a, b và g khoản 1 Mục II Phần này.
b) Có lực lượng bảo vệ tham gia quá trình vận chuyển để giám sát và ứng phó sự cố mất an ninh.
3. Đối với vật liệu hạt nhân nhóm III
Đáp ứng các yêu cầu quy định tại các điểm a và g khoản 1 Mục II Phần này.
Tạ Thị Thanh Thảo