Thử việc bị tai nạn lao động có được bồi thường hay không? Người lao động bị tai nạn do say rượu có được hưởng chế độ ốm đau không?
Thử việc bị tai nạn lao động có được bồi thường không?
Mình có gặp trường hợp như thế này cần nhờ mọi người tư vấn giúp: Anh A hiện đang là làm việc theo hợp đồng lao động tại công ty X, có tham gia BHXH đầy đủ. Song song đó thì anh có đang thử việc tại công ty Y. Và trong quá trình thử việc tại công ty Y thì anh này bị tai nạn lao động. Trường hợp này chắc chắc là công ty Y sẽ có các trách nhiệm được quy định tại Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động rồi. Nhưng còn chế độ tai nạn lao động bên BHXH thì sao? Anh này có được hưởng chế độ tai nạn lao động hay không?
Trả lời:
Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
...
Như vậy, khi thử việc tại công ty Y và bị tai nạn lao động thì công ty Y có trách nhiệm đối với người lao động này, bao gồm các chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định; trả đủ tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị...
Theo Điều 42, 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:
Điều 42. Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Đối tượng áp dụng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 của Luật này.
Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, để được hưởng chế độ tai nạn lao động của BHXH thì người này phải đáp ứng các điều kiện nêu trên. Vì khi thử việc thì không thuộc đối tượng áp dụng chế độ nên người này sẽ không được hưởng.
Người lao động bị tai nạn do say rượu có được hưởng chế độ ốm đau?
Chồng tôi cuối tuần sau khi tan sở về thì có tụ tập nhậu với đồng nghiệp, do quá chén đã bị tai nạn và phải nghỉ làm một thời gian. Trường hợp này chồng tôi có được hưởng chế độ ốm đau không?
Trả lời:
CCPL: Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau:
1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH cũng quy định không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất.
b) Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, theo quy định này thì sẽ không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu.
Người bị tai nạn trên đường đi giải quyết việc cơ quan hưởng chế độ bảo hiểm gì?
Tôi có người em trong khi đi giải quyết công việc công ty, trên đường về thì bị tai nạn và qua đời. Em tôi đang phụng dưỡng cha mẹ già trên 60 tuổi, như vậy có được hưởng các chế độ tử tuất, mai táng phí của bảo hiểm xã hội hay không. Em tôi có tham gia đóng bảo hiểm nhưng mới đóng thì có được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn hay không?
Trả lời:
Nếu em bà đang đóng BHXH mà bị chết trên đường giải quyết công việc cho công ty mà được xác định là chết do tai nạn lao động thì cha mẹ ruột, cha mẹ vợ/chồng (nếu có) hết tuổi lao động và không có nguồn thu nhâp hoặc có nguồn thu nhập hàng tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung hoặc có con dưới 15 tuổi… thì được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 định suất). Ngoài ra còn nhận được tiền trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động bằng 36 tháng lương tối thiểu chung, người lo mai táng sẽ nhận được tiền mai táng phí bằng 10 tháng lương tối thiểu chung.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh