Xe kinh doanh vận tải không lắp camera bị xử phạt thế nào?
Xe kinh doanh vận tải không lắp camera bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 36 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ như sau:
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không sử dụng thẻ nhận dạng lái xe để đăng nhập thông tin theo quy định hoặc sử dụng thẻ nhận dạng lái xe của lái xe khác để đăng nhập thông tin khi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa;
b) Điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh của người lái xe trong quá trình điều khiển xe tham gia giao thông theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của camera lắp trên xe ô tô.
Kể từ ngày 01/01/2022, việc điều khiển xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh của người lái xe trong quá trình điều khiển xe tham gia giao thông theo quy định sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Xe kinh doanh vận tải không lắp camera (Hình từ Internet)
Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu xe trong trường hợp nào?
Tại khoản 2, khoản 10 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định về quản lý sử dụng, cấp, cấp lại và thu hồi phù hiệu, biển hiệu như sau:
2. Thời hạn có giá trị của phù hiệu
a) Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện;
b) Phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong các dịp Tết Nguyên đán có giá trị không quá 30 ngày; các dịp Lễ, Tết dương lịch và các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng có giá trị không quá 10 ngày.
10. Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu một trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với tất cả phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải khi đơn vị kinh doanh vận tải bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vận tải;
b) Thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm đối với trường hợp khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của mỗi phương tiện trong 01 tháng cho thấy có từ 05 lần vi phạm tốc độ/1000 km xe chạy (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 05 km/h trở xuống);
c) Thu hồi phù hiệu của các xe ô tô kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục.
Phù hiệu của xe ôtô kinh doanh vận tải có thời hạn là 07 năm, phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” cấp cho các xe trong dịp Tết Nguyên đán có giá trị không quá 30 ngày; các dịp Lễ, Tết dương lịch và các kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng có giá trị không quá 10 ngày. Đơn vị kinh doanh vận tải có thể bị thu hồi phù hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định nêu trên.
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô có được đón trả khách ngoài địa điểm trong hợp đồng vận chuyển không?
Tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành và lái xe như sau:
3. Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành và lái xe
a) Chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe; chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành đã ký kết;
b) Không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng đã ký do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức;
c) Trường hợp sử dụng xe ô tô để vận chuyển khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;
d) Trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch có điểm đầu và điểm cuối của chuyến đi không nằm trong phạm vi của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô sẽ không được phép đón trả khách ở ngoài địa điểm trong hợp đồng vận chuyển.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài