Mô tả tài sản thế chấp trong hợp đồng và đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm
Về mô tả tài sản trong hợp đồng: Khi giao kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung của hợp đồng như:
- Ðối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;
- Số lượng, chất lượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phạt vi phạm hợp đồng;
- Các nội dung khác.
Trong hợp đồng thế chấp, việc mô tả tài sản là vấn đề quan trọng mà các bên phải thỏa thuận. Pháp luật không quy định bắt buộc phải mô tả cụ thể hay chỉ mô tả chung chung tài sản đó, nhưng các bên phải mô tả chính xác, thể hiện được rõ tài sản là đối tượng của hợp đồng.
Về mô tả tài sản trong đơn đăng ký giao dịch bảo đảm: Mẫu số 01/ĐKTC “Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp” ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 có hướng dẫn:
- Nếu tài sản thế chấp là nhà thì phải kê khai loại nhà (nhà ở, nhà xưởng, nhà kho, …), số tầng, diện tích xây dựng (diện tích chiếm đất), diện tích sử dụng, địa chỉ nhà đó.
- Trường hợp tài sản thế chấp là nhà chung cư thì ghi tên của nhà chung cư, số tầng, diện tích xây dựng (diện tích chiếm đất), tổng số căn hộ, địa chỉ nhà chung cư đó.
- Trường hợp tài sản thế chấp là căn hộ trong nhà chung cư thì ghi "căn hộ chung cư" và ghi số của căn hộ, tầng số, diện tích sử dụng của căn hộ, địa chỉ nhà chung cư đó.
- Trường hợp tài sản thế chấp là công trình hạ tầng kỹ thuật thì ghi loại công trình hạ tầng, tên từng hạng mục công trình và diện tích chiếm đất của hạng mục công trình đó. Đối với công trình kiến trúc khác thì ghi tên công trình và diện tích chiếm đất của công trình, địa chỉ nơi có công trình.
- Trường hợp tài sản thế chấp là cây rừng, cây lâu năm thì ghi loại cây rừng, loại cây lâu năm, diện tích, địa chỉ nơi có cây rừng, cây lâu năm.
Như vậy, việc mô tả tài sản thế chấp trong Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp không phụ thuộc vào hợp đồng thế chấp mô tả như thế nào, chỉ cần mô tả đúng tài sản đó bằng những thông số theo hướng dẫn.
Đối với trường hợp của bạn, nếu việc mô tả tài sản trong hợp đồng không đồng nhất với mô tả trong đơn đăng ký giao dịch bảo đảm dẫn đến cách hiểu sai về tài sản (trở thành hai tài sản khác nhau) thì không đương nhiên không được. Nhưng nếu việc mô tả không đồng nhất này (chỉ là khác nhau về câu chữ, cách liệt kê, dấu chấm dấu phẩy…) vẫn dẫn chiếu đến một tài sản thế chấp thì không ảnh hưởng gì đến việc đăng ký giao dịch bảo đảm cũng như hiệu lực của hợp đồng thế chấp.
Thư Viện Pháp Luật