Bị tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ thì pháp luật có bảo vệ?
Bị tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ thì pháp luật có bảo vệ không?
Căn cứ Điều 76 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 có quy định trách nhiệm của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh như sau:
1. Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh hoặc trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 73 của Luật này, doanh nghiệp bảo hiểm mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã mua bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Luật này thì phải tự bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Ngoài việc bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều này, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp xảy ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 73 của Luật này thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề không phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp bị tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ thì người bị hại sẽ được pháp luật bảo vệ bằng cách yêu cầu bên cở sở khám bệnh, chữa bệnh bồi thường và chịu các trách nhiệm pháp lý khác.
Mức xử phạt đối với hành vi phẫu thuật thẩm mỹ gây tai biến như thế nào?
Theo Khoản 7, Khoản 8 và Khoản 9 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định:
7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh.
Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 1, điểm c khoản 2, các khoản 3 và 4 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5 và khoản 7 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với cơ sở tái phạm một trong các hành vi hoặc vi phạm đồng thời từ 03 hành vi trở lên trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và điểm a khoản 5 Điều này;
d) Đình chỉ hoạt động một phần của cơ sở (đối với các khoa, phòng, trung tâm, đơn vị, bộ phận vi phạm) hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở (đối với vi phạm ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của cơ sở) trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 và khoản 7 Điều này;
đ) Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 6 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 7 Điều này.
Tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định trên có quy định quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Do đó, phẫu thuật thẩm mỹ gây tai biến thì sẽ bị phạt hành chính từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh từ 03 tháng đến 06 tháng. Nếu là khoa, phòng trong bệnh viện thì bị đình chỉ hoạt động một phần cơ sở còn nếu là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thì bị tước giấy phép hoạt động. Ngoài ra còn phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bị hại.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân