Mục đích, phạm vi của kiểm xạ và tẩy xạ môi trường trong việc xử lý sự cố bức xạ được quy định như thế nào?
Mục đích, phạm vi của kiểm xạ và tẩy xạ môi trường trong việc xử lý sự cố bức xạ được quy định như nào?
Theo Mục I Phụ lục I.7 ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHCN (có hiệu lực từ 22/7/2022) quy định về mục đích, phạm vi của kiểm xạ và tẩy xạ môi trường trong việc xử lý sự cố bức xạ như sau:
1. Mục đích
Quy trình này quy định hoạt động kiểm xạ và tẩy xạ môi trường theo phương án ứng phó đã được phê duyệt.
2. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy trình này áp dụng đối với lực lượng tham gia kiểm xạ và tẩy xạ môi trường theo chức năng nhiệm vụ được giao hoặc theo điều động của Chỉ huy hiện trường.
Quy định nội dung quy trình của kiểm xạ và tẩy xạ môi trường trong việc xử lý sự cố bức xạ ra sao?
Theo Tiểu mục 3 Mục I Phụ lục I.7 ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHCN (có hiệu lực từ 22/7/2022) nội dung quy trình của kiểm xạ và tẩy xạ môi trường trong việc xử lý sự cố bức xạ được quy định:
3.1. Sơ đồ
3.2. Diễn giải
Bước 1: Tập kết thiết bị và triển khai lực lượng
- Tập kết lực lượng, thiết bị đầu hướng gió và ngay phía ngoài vành đai an toàn bức xạ.
- Kiểm tra số lượng, chủng loại và tình trạng hoạt động của thiết bị.
- Trang bị quần áo bảo hộ, mặt nạ, găng tay, liều kế bức xạ cá nhân.
Bước 2: Chuẩn bị hiện trường
- Xác định thiết bị và nguồn lực thích hợp có sẵn tại hoặc gần hiện trường để thực hiện khử nhiễm đơn giản, tức là cung cấp nước sạch, bố trí vòi hoa sen, máy bơm, ống mềm, bàn chải, chổi, bọt biển, v.v.
- Chỉ định một khu vực bên ngoài chu vi an toàn để tiến hành tẩy xạ theo quy trình đã xây dựng.
- Người và vật dụng được đưa đến khu vực tẩy xạ phải được khảo sát, đo đạc trước bằng cách sử dụng các quy trình thích hợp và mức độ hoạt độ khu vực nhiễm bẩn phải được ghi lại trước khi tiến hành bất kỳ hoạt động tẩy xạ nào.
- Khảo sát lại các khu vực được xác định bị nhiễm bẩn để so sánh hoạt độ với mức can thiệp. Nếu hoạt độ đã giảm, nhưng vẫn còn trên mức can thiệp tác nghiệp (OIL), tiếp tục lau khu vực bị nhiễm bẩn bằng một dải giấy hoặc vải sạch và khảo sát lại bằng máy dò. Nếu hoạt độ trong quá trình lau cho thấy vẫn còn có thể giảm nhiễm bẩn thì lặp lại quy trình tẩy xạ cho đến khi không còn giảm mức nhiễm bẩn.
- Trước khi giải phóng bất kỳ cá nhân hoặc vật phẩm nào khỏi khu vực tẩy xạ hoặc cách ly an toàn vật phẩm bị nhiễm bẩn, đảm bảo rằng tất cả các tài liệu liên quan đến quá trình tẩy xạ, bao gồm các kết quả khảo sát trước và sau tẩy xạ, đã hoàn thành và được lưu giữ bởi người quản lý tình trạng khẩn cấp hoặc người có thẩm quyền khác.
Bước 3: Tẩy xạ phương tiện và thiết bị
- Tẩy xạ bên ngoài xe bằng cách rửa xe với xà phòng và nước.
- Nếu không thể tẩy xạ bên ngoài do thời tiết hoặc các trường hợp khác, thông báo cho người điều khiển phương tiện cách ly trong một khu vực an toàn cho đến khi xác định được phương tiện tẩy xạ thích hợp. Cung cấp cho người điều khiển phương tiện giấy xác nhận các vật phẩm bị nhiễm bẩn phóng xạ. Ghi lại tất cả các thông tin liên quan đến phương tiện và mức độ nhiễm bẩn phóng xạ.
- Sau khi tẩy xạ ban đầu, khảo sát lại các khu vực đã bị nhiễm bẩn được phát hiện. Nếu các mức nhiễm bẩn đã được giảm đáng kể, nhưng vẫn ở trên mức OIL thì cần lặp lại quy trình tẩy xạ và khảo sát lại. Nếu các kết quả đọc vẫn ở trên OIL, yêu cầu phương tiện phải được cách ly trong một khu vực an toàn chờ xử lý và đánh giá thêm. Cung cấp cho người điều khiển phương tiện giấy xác nhận đối với các vật phẩm bị nhiễm bẩn phóng xạ. Ghi lại tất cả thông tin liên quan đến phương tiện và mức độ nhiễm bẩn phóng xạ.
- Nếu phương tiện bị nhiễm bẩn bên trong mà không thể loại bỏ bằng cách lau chùi với các chất tẩy xạ sẵn có thì cần thông báo cho người điều khiển về việc phương tiện cần được cách ly trong một khu vực an toàn cho đến khi được tẩy xạ phù hợp để loại bỏ hoặc giảm bớt nhiễm bẩn đến mức cho phép. Cung cấp cho người điều khiển phương tiện giấy xác nhận cho các vật dụng bị nhiễm bẩn. Ghi lại tất cả thông tin liên quan đến phương tiện và mức độ nhiễm bẩn.
- Nếu tẩy xạ ban đầu bên ngoài không làm giảm các giá trị đo đến dưới mức OIL thì sự nhiễm bẩn có thể được xem là cố định. Xác nhận thông qua kiểm tra bằng phương pháp lau chùi. Do nhiễm bẩn cố định, các kết quả đo các vật dụng mà bằng hoặc thấp hơn OIL sẽ cho phép tháo các vật dụng này khỏi phương tiện. Các giá trị đo cao hơn mức OIL về nhiễm bẩn cố định cho thấy rằng chiếc xe phải được đặt trong tình trạng cách ly an toàn trong khi chờ đánh giá thêm. Trao đổi với người điều khiển về vấn đề này và cung cấp giấy xác nhận cho các vật dụng bị nhiễm bẩn. Ghi lại tất cả thông tin liên quan đến phương tiện và mức độ nhiễm bẩn.
- Tất cả các công cụ và thiết bị do nhân viên ứng phó sự cố sử dụng phải được giám sát bằng các quy trình đã xây dựng và cần tẩy xạ những vật bị nhiễm bẩn càng sớm càng tốt. Việc tẩy xạ, nếu được yêu cầu và khả thi, có thể được thực hiện bằng cách sử dụng một trong một số phương pháp như lau bằng vải khô, xà phòng và nước, v.v.
- Nếu việc tẩy xạ ngay lập tức không thành công hoặc không khả thi và cá nhân liên quan bỏ lại vật phẩm hoặc thiết bị thì các vật thể bị nhiễm bẩn phải được bao gói, dán nhãn và cất giữ cũng như quản lý một cách thích hợp để không gây nguy hiểm cho nhân viên và kiểm soát sự lây lan của nhiễm bẩn. Sử dụng các nhãn cho vật thể bị nhiễm bẩn.
- Đóng gói và dán nhãn cho bất kỳ đồ vật bị nhiễm bẩn nào được giữ lại để vận chuyển hoặc bảo quản thích hợp.
Bước 4: Kết thúc hoạt động tẩy xạ
- Thống kê liều bức xạ của lực lượng tham gia ứng phó.
- Báo cáo kết quả tẩy xạ, kiểm xạ cá nhân, trang thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó. Báo cáo về các vật liệu, vật tư, thiết bị đã được tẩy xạ, các vật tư, thiết bị cần phải lưu giữ để tẩy xạ ở mức cao hơn, các chất thải phóng xạ thu gom được.
- Đề xuất kiến nghị các công việc cần làm tiếp theo và bài học kinh nghiệm thu được từ sự cố.
Trân trọng!
Vũ Thiên Ân