Chia di sản thừa kế, cử người giám hộ được quy định thế nào?
Chia di sản thừa kế, cử người giám hộ được quy định như thế nào?
Dì em đứng tên chủ sở hữu 01 căn nhà (có nguồn gốc do bố mẹ chồng dì để lại). Nay dì em đã chết. Xin hỏi: căn nhà dì em đứng tên được xác định là tài sản chung hay riêng của vợ chồng? Dì em có 1 con gái duy nhất (10 tuổi). Chồng dì có vợ hai, có con riêng nhưng hiện không biết đứa trẻ đó đang ở đâu. Dì em mất đi không để lại di chúc thì tài sản là căn nhà trên sẽ được chia như thế nào? Chồng dì do uống rượu say nên ngã xe bị tai biến. Con dì có nguyện vọng ở với gia đình em thì thủ tục giám hộ như thế nào? Em chân thành cám ơn!
Trả lời:
1. Về việc xác định tài sản chung/riêng
Để xác định ngôi nhà là tài sản riêng của dì bạn hay là tài sản chung của vợ chồng dì, bạn cần căn cứ quy định tại Điều 33, Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Tài sản chung của vợ chồng (Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình): Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
- Tài sản riêng của vợ, chồng (Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình): Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Ngoài việc xác định dựa theo các quy định nêu trên, bạn cũng có thể kiểm tra nguồn gốc tài sản được ghi trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở để xác định xem ngôi nhà là tài sản riêng hay chung của vợ chồng.
2. Chia di sản thừa kế
Bạn cần xác định các vấn đề sau đây:
- Xác định di sản thừa kế:
Ðiều 634 Bộ luật dân sự quy định: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Do đó, để xác định di sản của dì bạn cần phải xác định ngôi nhà là tài sản riêng của chồng bạn hay là tài sản chung vợ chồng.
+ Nếu ngôi nhà là tài sản riêng của dì: Di sản do dì bạn để lại sẽ là toàn bộ ngôi nhà đó.
+ Nếu ngôi nhà là tài sản chung vợ chồng: Di sản do dì bạn để lại là ½ giá trị ngôi nhà.
- Xác định người thừa kế:
Do dì bạn không để lại di chúc nên di sản do dì để lại được chia cho những người thừa kế theo pháp luật. Theo khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo quy định nêu trên, người thừa kế theo pháp luật của dì bạn gồm:
+ Con gái của dì (với tư cách là con của người để lại di sản.
+ Chồng của dì. Tuy nhiên, chồng của dì chỉ được coi là người thừa kế của dì nếu tại thời điểm dì bạn chết, hai người vẫn là vợ chồng. Ngược lại, nếu trước khi dì bạn chết, hai vợ chồng dì đã ly hôn thì chồng của dì không phải là người thừa kế theo pháp luật và không được hưởng di sản do dì để lại.
+ Những người thừa kế khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất (nếu có).
3. Thủ tục giám hộ
Ðiều 58 Bộ luật dân sự quy định:
“- Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự.
- Người được giám hộ bao gồm:
+ Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
+ Người mất năng lực hành vi dân sự”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, mặc dù dì bạn đã chết nhưng cháu gái 10 tuổi của bạn chỉ được giám hộ khi bố của cháu (chồng của dì) thuộc một trong các trường hợp nêu trên (đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự...). Theo thông tin bạn cung cấp, chồng của dì uống rượu say, ngã xe nên bị tai biến nhưng đó chưa phải là căn cứ để cho rằng chú là người mất năng lực hành vi dân sự. Căn cứ khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”, chồng của dì chỉ được coi là người mất năng lực hành vi dân sự khi có quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự của tòa án.
Nếu cháu gái của bạn thuộc trường hợp người được giám hộ thì người giám hộ đương nhiên của cháu được xác định theo Điều 61 Bộ luật dân sự như sau:
- Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;
- Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.
Trong trường hợp cháu gái bạn không có người giám hộ đương nhiên theo quy định trên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ (theo Ðiều 63 Bộ luật dân sự. Thủ tục cử người giám hộ như sau:
- Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
- Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
Làm thủ tục để bà ngoại giám hộ cho con chưa thành niên đang ở nước ngoài?
Tôi có gửi con - cháu được 10 tuổi cho bà ngoại ở nước ngoài và xin cho cháu học ở nước ngoài. Hiện nay cháu đang ở với bà ngoại ở nước ngoài và đang đi học. Nay tôi muốn làm thủ tục để bà ngoại làm người giám hộ cho cháu ở nước ngoài, vậy tôi phải làm những thủ tục gì?
Trả lời:
Cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Luật Hôn nhân và gia đình quy định, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ: thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; có quyền quản lý tài sản riêng của con, định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con.
Do con bạn đang ở nước ngoài nên vợ chồng bạn không có điều kiện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo luật định. Vợ chồng bạn có thể ủy quyền cho bà ngoại cháu được thay mặt và nhân danh mình thực hiện các công việc như: trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc; chăm lo việc học tập của cháu….
Việc ủy quyền có thể lập theo hình thức Giấy ủy quyền, chỉ cần có chữ ký của vợ chồng bạn mà không cần chữ ký của bà ngoại cháu. Bạn có thể nộp một bộ hồ sơ (giấy tờ tùy thân của hai vợ chồng; giấy khai sinh của cháu) tại bất kỳ tổ chức công chứng nào để yêu cầu công chứng Giấy ủy quyền nêu trên.
Nghi ngờ nuôi con hộ người khác có được đem con đi giám định ADN?
Nghi ngờ nuôi con hộ người khác có được đem con đi giám định ADN? Vợ chồng tôi đã ly hôn. Tuy nhiên, gần đây tôi có căn cứ cho thấy đứa con chung duy nhất của chúng tôi (hiện nay do tôi nuôi dưỡng) không phải là con tôi, mà là con của cô ấy và người yêu trước. Tôi muốn giám định ADN. Tôi có được thực hiện mong muốn này không? Nếu đứa trẻ không phải con ruột thì trách nhiệm của tôi trong việc nuôi dưỡng thế nào? Hoàng Hà.
Trả lời:
Khi ly hôn, bạn vẫn có quyền yêu cầu tòa án xác định cha, mẹ, con.
Xác định cha, mẹ được quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:
Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Thẩm quyền xác định cha, mẹ, con được quy định tại điều 101 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:
Điều 101. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.
Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy, bạn làm đơn gửi trực tiếp đến tòa án nhân dân cấp quận (huyện) nơi bạn cư trú để giải quyết theo quy định.
Nếu sau khi tòa án xác định cháu bé không phải con bạn, bạn sẽ không có trách nhiệm phải chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con theo quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 bởi vì quan hệ cha – con giữa bạn và cháu bé đã chấm dứt.
Điều 69: Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”.
Bạn sẽ tiến hành trao đứa bé cho mẹ bé trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo