Có bắt buộc ly thân trước khi ly dị (thủ tục ly hôn) không?
Có bắt buộc ly thân trước khi ly dị hay không?
Tôi nghe nhiều người nói trước lúc ly hôn phải có thời gian ly thân thì mới được tòa thụ lý đơn. Hôn nhân của vợ chồng tôi rạn nứt thời gian dài, đến nay cả hai quyết định ly hôn. Nhiều người bảo tôi rằng ly thân là thủ tục bắt buộc trước khi ly hôn, nếu không tòa sẽ không giải quyết. Như vậy có đúng không? Vợ chồng tôi vay của chị họ chồng một khoản tiền để làm ăn nhưng giờ vẫn chưa trả xong. Sau ly hôn, tôi hay anh ấy phải có trách nhiệm với khoản nợ này?
Trả lời:
Hiện, pháp luật chưa có văn bản nào quy định về vấn đề ly thân cũng như không quy định ly thân là thủ tục bắt buộc trước khi xin ly hôn.
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Đối chiếu quy định vừa trích dẫn ở trên và các quy định khác liên quan việc ly hôn được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 với trường hợp của bạn, nếu vợ chồng bạn đều đồng ý chấm dứt quan hệ hôn nhân có thể nộp đơn xin ly hôn gửi lên tòa án nơi vợ chồng bạn đang cư trú để được thụ lý, giải quyết mà không cần phải trải qua thời gian ly thân.
Về nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.
Như vậy, theo quy định trên thì sau khi ly hôn nếu vợ chồng bạn vẫn chưa trả hết nợ cho người chị họ và cũng không có thỏa thuận nào khác thì vợ chồng bạn vẫn phải có nghĩa vụ cùng nhau trả số tiền còn nợ cho người chị họ.
Có bắt buộc ly thân trước khi ly dị không? (Hình từ Internet)
Từ năm 2017, chỉ ly thân có được hưởng thừa kế của chồng không?
Từ năm 2017, chỉ ly thân có được hưởng thừa kế của chồng không? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi tên là Kim Liên, hiện đang làm Kế toán tại công ty TNHH MTV Xuân Ngọc, tôi có vấn đề thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn. Tôi kết hôn từ năm 2013, có tiến hành đăng ký kết hôn tại UBND xã của chồng tôi ở. Đến đầu năm 2015, khi tôi đang mang thai khi phát hiện chồng tôi có bồ nhí nên sau khi sinh con, tôi và anh ấy sống ly thân (tôi là người nuôi con). Tháng 12/2016, tôi có nộp đơn ly hôn ra tòa nhưng chưa được giải quyết. Cho đến đầu năm 2017, anh ta về quê làm lễ cưới hỏi với cô bồ nhí mặc dù chưa hoàn tất thủ tục ly hôn với tôi. Nay chồng tôi bị tai nạn giao thông chết (không có di chúc) thì gia đình bên chồng nói bán nhà của chồng tôi chia tiền cho cô kia chứ không phải tôi. Theo luật tôi có được hưởng thừa kế của anh ấy không? Mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn! Email: kim.lien***@gmail.com
Trả lời:
Vấn đề của bạn cần phải phân tích dựa trên nhiều khía cạnh pháp lý khác nhau.
Thứ nhất, về quan hệ vợ chồng
Pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành không có khái niệm ly thân cũng như hệ quả pháp lý của việc ly thân. Tại Khoản 14 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Do đó, mặc dù vợ chồng bạn đã ly thân hơn một năm và chồng bạn đã nộp đơn ra toà án xin ly hôn nhưng chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án nên quan hệ hôn nhân của bạn vẫn tồn tại.
Thứ hai, về việc chia di sản của chồng bạn
Như đã nêu ở trên, ở thời điểm hiện tại, bạn và chồng bạn vẫn là vợ chồng và được pháp luật ghi nhận. Việc chồng bạn qua đời mà không để lại di chúc là căn cứ cho việc sẽ chia di sản của chồng bạn theo pháp luật (Điều 650 Bộ luật dân sự 2015).
Theo đó, khi chia di sản theo pháp luật, bạn, các con chung của bạn và chồng cùng với bố, mẹ của chồng bạn sẽ nằm ở hàng thừa kế thứ nhất theo Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015. Do đó, nếu không có thỏa thuận nào khác, di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người nêu trên. Những người nhà của chồng bạn không có quyền tự định đoạt hoặc tự chia di sản thừa kế của chồng bạn.
Ngoài ra, với bồ nhí của chồng bạn, dù đã làm lễ cưới hỏi nhưng pháp luật không thừa nhận người này là vợ của chồng bạn. Do đó, cô ấy không có quyền được nhận bất cứ phần di sản nào khi chia thừa kế theo pháp luật.
Nếu người nhà chồng cứ cố tình tự định đoạt di sản của chồng, bạn có thể làm đơn khởi kiện và nộp tại tòa án nhân dân nơi có căn nhà của chồng để được giải quyết chia di sản theo pháp luật nhé.
Giai đoạn ly thân chia tài sản thế nào?
Tôi và chồng ly thân từ năm 2013 song con còn nhỏ nên chưa muốn làm thủ tục xin ly hôn. Vì việc làm ăn của mỗi người, giờ chúng tôi muốn chia tài sản. Khi ly hôn có được chia tài sản đứng tên bố chồng? Tôi xin hỏi khi chưa làm thủ tục ly hôn, vợ chồng có được thỏa thuận để chia tài sản chung không?
Trả lời:
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề ly thân, do đó thời gian ly thân vẫn được xác định là trong thời kỳ hôn nhân. Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014: “Thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”.
Về trường hợp của vợ chồng bạn, dù đã ly thân từ năm 2013 nhưng chưa làm thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật nên quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại. Việc chia tài sản sẽ thực hiện theo thủ tục chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
- Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp:
+ Việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
+ Việc chia tài nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây
(1) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
(2) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
(3) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
(4) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
(5) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
(6) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Như vậy, nếu không thuộc các trường hợp không được phép chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân theo quy định của pháp luật, vợ chồng bạn có quyền thỏa thuận về việc chia tài sản.
Nội dung của văn bản thỏa thuận bao gồm các thông tin cơ bản như: tên, tuổi, nơi ở của 2 vợ chồng, tài sản được chia, thỏa thuận chia, quyền và nghĩa vụ của các bên, thời điểm việc chia tài sản có hiệu lực, các thỏa thuận khác và phải có chữ ký của hai vợ chồng…Việc chia tài sản phải lập thành văn bản phải được công chứng theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hai vợ chồng bạn không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung, bạn có thể làm đơn yêu cầu phân chia tài sản chung gửi đến tòa án cấp huyện nơi vợ chồng đang cư trú để giải quyết việc phân chia tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo