Thực hiện thi công tu bổ di tích là như thế nào?
Thực hiện thi công tu bổ di tích là như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL quy định thực hiện thi công tu bổ di tích như sau:
1. Chủ đầu tư dự án tu bổ di tích thực hiện các công việc sau:
a) Thành lập Hội đồng đánh giá di tích và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng.
Thành phần Hội đồng gồm chủ đầu tư dự án tu bổ di tích, đại diện các tổ chức lập dự án tu bổ di tích, lập thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích, thi công tu bổ di tích, giám sát thi công tu bổ di tích, đại diện Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, đại diện tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý di tích và chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan.
Hội đồng đánh giá di tích có nhiệm vụ kiểm tra kết quả công việc quy định tại khoản 2 Điều này. Kết quả làm việc của Hội đồng được lập thành biên bản.
b) Điều chỉnh, bổ sung thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích (nếu có) theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
c) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện việc phân loại, lựa chọn cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng không được sử dụng lại để bảo quản, trưng bày tại di tích hoặc tại Bảo tàng cấp tỉnh.
d) Phối hợp với tổ chức thi công tu bổ di tích và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức nghiệm thu, bàn giao, đưa di tích vào sử dụng và thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Tổ chức thi công tu bổ di tích thực hiện các công việc sau:
a) Trường hợp tu bổ tại chỗ hoặc tháo rời một số cấu kiện, thành phần kiến trúc:
- Bao che khu vực cấu kiện, thành phần kiến trúc cần tu bổ bảo đảm an toàn;
- Lập hệ thống ký hiệu các cấu kiện, thành phần kiến trúc trên bản vẽ và đánh dấu vào cấu kiện, thành phần kiến trúc tương ứng của di tích. Ký hiệu đánh dấu trên cấu kiện, thành phần kiến trúc không được làm ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị của cấu kiện, thành phần kiến trúc, được bảo vệ trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích và dễ loại bỏ sau khi hoàn thành thi công tu bổ di tích. Chụp ảnh, ghi hình sau khi đánh dấu ký hiệu vào cấu kiện, thành phần kiến trúc;
- Phối hợp với chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng xác nhận tình trạng kỹ thuật của cấu kiện, thành phần kiến trúc;
- Thực hiện thi công tu bổ di tích theo nội dung thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt.
b) Trường hợp phải tháo rời toàn bộ cấu kiện, thành phần kiến trúc:
- Xây dựng nhà bao che phục vụ thi công tu bổ di tích, nhà bảo quản cấu kiện, thành phần kiến trúc;
- Lập hệ thống ký hiệu các cấu kiện, thành phần kiến trúc trên bản vẽ và đánh dấu vào cấu kiện, thành phần kiến trúc tương ứng của di tích. Ký hiệu đánh dấu trên cấu kiện, thành phần kiến trúc không được làm ảnh hưởng đến đặc điểm, giá trị của cấu kiện, thành phần kiến trúc, được bảo vệ trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích và dễ loại bỏ sau khi hoàn thành thi công tu bổ di tích. Chụp ảnh, ghi hình sau khi đánh dấu ký hiệu vào cấu kiện, thành phần kiến trúc;
- Hạ giải di tích theo quy định tại Điều 17 Thông tư này;
- Phối hợp với Hội đồng đánh giá di tích nghiên cứu, đánh giá tình trạng kỹ thuật cấu kiện, thành phần kiến trúc và phân loại, lựa chọn cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng không được sử dụng lại để bảo quản, trưng bày tại di tích hoặc tại Bảo tàng cấp tỉnh;
- Thực hiện thi công tu bổ di tích theo nội dung hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được phê duyệt, Biên bản của Hội đồng đánh giá di tích hoặc hồ sơ điều chỉnh, bổ sung thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt.
3. Việc thi công bảo quản hiện vật thực hiện theo quy định tại điểm a (trong trường hợp cần thiết), điểm b, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.
Hạ giải di tích là như thế nào?
Căn cứ Điều 17 Thông tư 15/2019/TT-BVHTTDL quy định hạ giả di tích như sau:
1. Việc hạ giải di tích chỉ được tiến hành khi hiện vật nội thất đã được di dời hoặc bao che tại chỗ bảo đảm an ninh, an toàn.
2. Trước khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được chụp ảnh, ghi hình, đánh dấu theo hệ thống ký hiệu đã lập trên bản vẽ; có phương án hạ giải và vị trí tập kết trong nhà bảo quản.
3. Trong khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được bảo vệ an toàn, gia cố tạm thời đối với vị trí có nguy cơ bị phá hủy và xác định phương án vận chuyển thích hợp.
4. Sau khi hạ giải, các cấu kiện, thành phần kiến trúc phải được làm sạch sơ bộ và phân loại, sắp xếp trong nhà bảo quản.
5. Quá trình hạ giải phải được lập thành hồ sơ (bản viết, bản ảnh, ghi hình), là một thành phần của Nhật ký công trình quy định tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật