Vào trường giáo dưỡng đủ tuổi có được học nghề hay không?
Vào trường giáo dưỡng đủ tuổi có được học nghề không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Nghị định 140/2021/NĐ-CP quy định về chế độ học văn hóa, học nghề và lao động của học sinh như sau:
2. Chế độ học nghề
a) Học sinh từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia học nghề do Nhà trường tổ chức, ngoài giờ học văn hóa, được học nghề phù hợp với trình độ học vấn và sức khỏe để đảm bảo sự phát triển bình thường về thể lực, trí lực và nhân cách, giúp học sinh có kỹ năng nghề phù hợp để tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;
b) Thời gian học nghề do nhà trường quy định, đảm bảo sự phù hợp về thời gian học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt của học sinh nhưng không quá 07 giờ trong một ngày và không quá 35 giờ trong một tuần;
c) Trường giáo dưỡng có đủ điều kiện trực tiếp đào tạo nghề nghiệp hoặc phối hợp với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho học sinh theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;
d) Không sử dụng học sinh tham gia học nghề thuộc các danh mục công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi và danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật;
đ) Trường giáo dưỡng căn cứ vào tình hình thực tế và khảo sát nhu cầu nghề, việc làm của địa phương nơi học sinh cư trú để hướng nghiệp, đào tạo nghề nghiệp phù hợp;
e) Chứng chỉ học nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Như vậy, học sinh từ đủ 15 tuổi trở lên khi vào trường giáo dưỡng sẽ được tham gia lớp học nghề do Nhà trường tổ chức, ngoài giờ học văn hóa, được học nghề phù hợp để tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Thời gian học nghề trong trường giáo dưỡng có được tính vào thời gian lao động không?
Theo Khoản 3 Điều trên có quy định như sau:
3. Chế độ lao động
a) Học sinh từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia lao động do Nhà trường tổ chức ngoài giờ học văn hóa, học nghề. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ của học sinh để đảm bảo sự phát triển bình thường về thể chất, trí lực, nhân cách;
b) Thời gian lao động của học sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và pháp luật về lao động. Thời gian học nghề được tính vào thời gian lao động. Thời gian lao động không được nhiều hơn thời gian học tập. Học sinh được nghỉ lao động trong các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật.
Ngoài thời gian được nghỉ theo quy định chung, học sinh được nghỉ khi ốm đau theo chỉ định của y, bác sỹ. Khi gặp thân nhân trong thời gian lao động phải được cán bộ có thẩm quyền của trường giáo dưỡng cho phép;
c) Khi tổ chức lao động, trường giáo dưỡng có trách nhiệm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và quy định của pháp luật lao động về lao động chưa thành niên;
d) Trường hợp trường giáo dưỡng phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức lao động cho học sinh thì phải được sự tự nguyện tham gia lao động của học sinh.
Theo đó, thời gian học nghề trong trường giáo dưỡng được tính vào thời gian lao động.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh