Công an thực hiện việc kiểm tra nơi tạm trú và khám xét chỗ ở của người dân được hay không?
Công an có được thực hiện việc kiểm tra nơi tạm trú và khám xét chỗ ở của người dân được hay không?
Căn cứ Điều 25 Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định về kiểm tra cư trú như sau:
1. Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.
2. Đối tượng, địa bàn kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên, khu nhà ở của người lao động, nhà cho thuê, nhà cho mượn, cho ở nhờ của tổ chức, cá nhân, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú; cơ quan đăng ký cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.
3. Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú, thu thập, cập nhật, khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.
4. Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia. Trường hợp cơ quan cấp trên kiểm tra phải phối hợp với cơ quan đăng ký cư trú cấp dưới.
Căn cứ Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định về công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, cụ thể như sau:
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.
Theo quy định tại Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điểm i Khoản 73 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính như sau:
1. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
2. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật này có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.
3. Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình họ và người chứng kiến. Trong trường hợp người chủ nơi bị khám, người thành niên trong gia đình họ vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và ít nhất 01 người chứng kiến.
4. Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
5. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử như sau:
1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
Theo đó, hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự tuy nhiên khám xét chỗ ở của công dân thì chỉ được khám xét trong 2 trường hợp như trên. Như vậy, công an có thể thực hiện việc kiểm tra tạm trọ rồi khám xét chỗ ở của người dân trong một số trường hợp như phòng, chống tội phạm, có căn cứ để nhận định trong chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội,...
Công an có được khám xét chỗ ở vào ban đêm không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 195 Bộ luật này quy định về khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện như sau:
1. Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Như vậy, công an chỉ được khám xét chỗ ở khi thuộc một trong những trường hợp nêu trên, không được khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo