Chuyển đất rừng sang đất ở được hay không? Những người con khác có cần ký khi một người nhận chuyển nhượng đất nhà, đất rừng của bố mẹ hay không?

Chuyển đất rừng sang đất ở được không? Những người con khác có cần ký khi một người nhận chuyển nhượng đất nhà, đất rừng của bố mẹ không? Đất trồng cây lâu năm chuyển sang đất rừng phòng hộ có phải xin phép không?

Chuyển đất rừng sang đất ở được không?

Chào admin, gia đình tôi có một khu đất rừng ở Tây Ninh, muốn chuyển sang đất ở có được không ạ? Tại bên UBND kêu chưa có kế hoạch thì chưa được thì phải?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 10 Luật đất đai 2013 quy định nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

- Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;

- Đất trồng cây lâu năm;

- Đất rừng sản xuất;

- Đất rừng phòng hộ;

- Đất rừng đặc dụng;

....

Và quy định tại Điều 52 Luật này thì căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gồm:

- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Như vậy, để chuyển mục đích sử dụng đất thì phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND huyện đã được phê duyệt và nhu cầu của cá nhân trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, nếu anh xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất ở nhưng kế hoạch sử dụng đất không cho phép thì anh không được chuyển mục đích sử dụng đất.

Những người con khác có cần ký khi một người nhận chuyển nhượng đất nhà, đất rừng của bố mẹ không?

Hiện tại vợ chồng tôi đang chung sống với bố mẹ chồng và họ có ý định chuyển nhượng lại sổ đỏ đất nhà và sổ đỏ đất rừng cho vợ chồng tôi. Vậy xin hỏi lúc làm thủ tục chuyển nhượng có cần xin chữ ký của các anh chị em trong nhà không ạ. Và thủ tục làm giấy tờ chuyển nhượng như thế nào ạ. Xin cảm ơn

Trả lời:

Trường hợp thứ nhất: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bố mẹ chồng

Căn cứ theo quy định tại Điều 213 Bộ luật dân sự 2015 về sở hữu chung của vợ chồng:

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.

5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.

Theo đó, nếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên bố mẹ chồng, thì mảnh đất này được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, khi bố mẹ bạn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt mảnh đất này hay nói cách khác bố mẹ bạn có toàn quyền định đoạt đối với đất nhà và đất rừng mà không cần sự đồng ý của các con. Đồng nghĩa với việc bố mẹ chồng có quyền tặng cho, chuyển nhượng lại cho vợ chồng bạn mà không cần chữ ký của các anh chị em khác.

Trường hợp thứ hai, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên “hộ”:

Căn cứ Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định như sau:

Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Theo đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình tức là cấp cho những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, căn cứ Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:

1. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.

2. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.

Vì vậy, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì cần có sự đồng ý, ký tên của những người trong hộ trên hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất. Do đó, trường hợp này bố mẹ chồng muốn chuyển nhượng lại đất nhà và đất rừng cho vợ chồng bạn phải cần chữ ký và sự đồng ý của các thành viên khác trong gia đình.

Thứ ba, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau:

+ Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất nộp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn thì nộp tại Uỷ ban nhân dân xã nơi có đất để chuyển cho văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

+ Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Trong thời hạn không quá mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đất trồng cây lâu năm chuyển sang đất rừng phòng hộ có phải xin phép không?

Chào ban biên tập, tôi đang sinh sống tại Lào Cai, tôi có chút thắc mắc mong được giải đáp, Cho tôi hỏi nếu chuyển từ đất trồng cây lâu năm sang đất rừng phòng hộ có phải xin phép cơ quan nhà nước không ạ? Xin giải đáp giúp tôi 

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật đất đai 2013 thì:

1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Theo quy định trên thì trường hợp chuyển từ đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích trong nhóm đất nông nghiệp thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với trường hợp chuyển từ đất trồng cây lây năm sang đất rừng phòng hộ thì không cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp này bạn cần báo cáo với chính quyền địa phương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho cán bộ địa chính xã cập nhật vào dữ liệu đất đai của địa phương.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chuyển đổi quyền sử dụng đất

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào