Tranh chấp thừa kế, di sản là quyền sử dụng đất
* Theo thông tin bạn cung cấp thì mảnh đất do ông bà để lại được coi là di sản thừa kế và được phân chia cho tất cả các đồng thừa kế theo pháp luật (do ông bà không để lại di chúc). Việc phân chia được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn. Theo đó, khi làm thủ tục đăng ký thừa kế thì nhất thiết phải có di chúc hoặc biên bản phân chia thừa kế hoặc bản án, quyết định giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật (Điều 129 Luật Đất đai). Trong trường hợp nhà bạn, khi chú bạn làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất thì phải có biên bản phân chia thừa kế của tất cả các đồng thừa kế. Các đồng thừa kế theo pháp luật của ông bà gồm: bốn anh chị em của bố bạn và các đồng thừa kế khác nếu có. Nhưng theo bạn thì khi chú bạn làm sổ đỏ, tất cả các anh em đều không biết đến do vậy có thể hiểu được là gia đình đã không hề lập biên bản phân chia di sản thừa kế.
Từ những phân tích nêu trên có thể thấy việc đăng ký sang tên quyền sử dụng đất của chú bạn là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
* Biên bản do gia đình bạn lập với nội dung chú bạn sẽ để lại cho bố bạn một phần mảnh đất: theo bạn thì biên bản này chỉ có chữ ký của chú, bố bạn, Ủy ban nhân dân xã và địa chính xã. Do vậy, chưa thể coi đây là biên bản phân chia thừa kế vì chưa có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế của ông bà (còn hai người con khác).
Trở lại với câu hỏi mà bạn hỏi: có thể gửi đơn đề nghị UBND xã lập biên bản hòa giải không thành không, chúng tôi trả lời như sau:
Mảnh đất là di sản do ông bà để lại, để tránh phát sinh mâu thuẫn, cả bốn anh em (và các đồng thừa kế khác nếu có) nên thỏa thuận để phân chia quyền sử dụng đất đó theo quy định của pháp luật về thừa kế. Các thừa kế có thể lập văn bản phân chia di sản thừa kế với nội dung như trước đây đã thống nhất là chú bạn và bố bạn mỗi người được hưởng một phần di sản đó hoặc thỏa thuận lại. Văn bản có thể yêu cầu cơ quan công chứng chứng nhận hoặc yêu cầu UBND xã chứng thực (nếu địa bàn đó chưa có tổ chức công chứng).
Nếu không thỏa thuận được như trên thì gia đình bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nhà nước luôn khuyến khích các bên tự hòa giải hoặc giải quyết thông qua hòa giải cơ sở. Hòa giải cơ sở cũng là thủ tục bắt buộc trước khi các bên tiến hành giải quyết tranh chấp tại các cấp cao hơn. Kết quả hoà giải tranh chấp phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Trường hợp của nhà bạn đã nhiều lần giải quyết mà không được thì đương nhiên có thể yêu cầu UBND xã lập biên bản hòa giải không thành. Sau khi có biên bản đó, gia đình bạn có thể gửi đơn khởi kiện tới cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Với câu hỏi: sổ đỏ mang tên chú bạn có gây khó khăn gì không, thì như trên chúng tôi đã phân tích, chú bạn đã không thực hiện đúng quy trình đăng ký thừa kế do vậy giấy chứng nhận mang tên chú được cấp chưa đúng với quy định của pháp luật. Gia đình bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn chú bạn thực hiện quyền của người sử dụng đất theo giấy chứng nhận đã cấp. Khi giải quyết tranh chấp thì đương nhiên sẽ giải quyết cả vấn đề liên quan đến giấy chứng nhận này.
Thư Viện Pháp Luật