Khi doanh nghiệp phá sản, không chốt sổ BHXH thì người lao động cần liên hệ với cơ quan nào?
Khi doanh nghiệp phá sản, không chốt sổ BHXH thì người lao động liên hệ với ai?
Căn cứ Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động:
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Theo Khoản 1 Điều 46 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, the BHYT ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 quy định như sau:
1. Ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trong sổ BHXH
1.1. Nội dung ghi trong sổ BHXH phải đầy đủ theo từng giai đoạn tương ứng với mức đóng và điều kiện làm việc của người tham gia BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN (kể cả thời gian người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng như nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản; nghỉ việc không hưởng tiền lương; tạm hoãn HĐLĐ).
1.2. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
1.3. Khi điều chỉnh giảm thời gian đóng hoặc giảm mức đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN đã ghi trong sổ BHXH, phải ghi cụ thể nội dung điều chỉnh, xác nhận lũy kế hoặc tổng thời gian đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN.
Như vậy, khi doanh nghiệp phá sản và không thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH, người lao động có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi doanh nghiệp bạn đóng BHXH đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm doanh nghiệp đã đóng BHXH cho bạn.
Ủy quyền cho bạn lấy hộ sổ BHXH tại công ty cũ được không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 134 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện như sau:
2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
Theo đó, quy định thì hiện nay không có quy định nào về việc cấm ủy quyền thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm cho bạn. Bạn hoàn toàn có thể ủy quyền cho người thân để làm thủ tục chốt sổ BHXH tại cơ quan BHXH. Tuy nhiên, việc ủy quyền giữa bạn và người thân phải được lập thành hợp đồng ủy quyền (có công chứng của Phòng/Văn phòng công chứng) hoặc giấy ủy quyền (có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã). Sau khi bạn có văn bản ủy quyền phù hợp với quy định của pháp luật thì người được bạn ủy quyền có thể thay mặt bạn mang sổ BHXH của bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi doanh nghiệp bạn đóng BHXH để làm thủ tục chốt sổ BHXH cho bạn.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo