Vợ tự ý cho thuê nhà giải quyết như thế nào? Hợp đồng thuê nhà có cần phải công chứng không?
Vợ tự ý cho thuê nhà giải quyết thế nào?
Vợ em tâm trạng buồn bã nên đã đem nhà cho thuê mà không hỏi ý kiến em, giờ em cần lấy lại nhà để làm ăn. Người thuê đưa cho vợ em 20 triệu và đã dọn vào ở, vậy trường hợp này em có thể lấy lại nhà không? Em cảm ơn!
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1 Điều 119 Luật nhà ở 2014 quy định bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:
- Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
- Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
Mặt khác, tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Theo đó, nếu giao dịch vi phạm điều kiện trên sẽ bị vô hiệu, và các bên sẽ hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Theo thông tin bạn cung cấp là vợ bạn tự ý cho thuê nhà mà không hỏi ý kiến bạn do đó bạn có thể thỏa thuận với bên thuê nhà để lấy lại nhà, trường hợp bên thuê không chấp nhận thì có thể khởi kiện đến tòa án để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Cụ thể bạn sẽ được nhận lại nhà và bên thuê sẽ nhận lại tiền.
Hợp đồng thuê nhà có cần phải công chứng không?
Tôi có một câu hỏi thắc mắc như sau: Tháng rồi tôi có thuê nhà ở giá 10 triệu, hai bên làm hợp đồng viết tay nhưng không công chứng. Như vậy thì có giá trị hay không? Và có bắt buộc phải công chứng?
Trả lời:
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở 2014 quy định như sau:
Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu”
Như vậy, hợp đồng thuê nhà ở có công chứng, chứng thực hay không được công chứng, chứng thực đều có giá trị pháp lý như nhau. Tuy nhiên, trên thực tế nếu giao dịch có số tiền lớn thì việc công chứng là cần thiết để có thể khi xảy ra tranh chấp thì một trong những chứng cứ đầu tiên là hợp đồng giao dịch có công chứng nó sẽ thuận tiện hơn. Tất nhiên giá trị pháp lý là như nhau.
Thuê nhà ở nhưng dùng vào mục đích kinh doanh có bị chấm dứt hợp đồng?
Thuê nhà ở nhưng dùng vào mục đích kinh doanh có được quyền đương nhiên chấm dứt hợp đồng?
Tôi cho một người thuê nhà ở nhưng người này dùng vào mục đích kinh doanh. Tôi yêu cầu người này trả thêm tiền nêus kinh doanh nhưng người này không đồng ý. Tôi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà hay không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 123 Luật Nhà ở 2014 có quy định như sau:
Các trường hợp đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở
1.Trong thời hạn thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng, bên cho thuê không được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật này;
- Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
- Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng;
- Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;
- Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;
- Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;
- Thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật này.
Như vậy, theo quy định như trên người thuê nhà phải sử dụng nhà ở đúng mục đích như đã thỏa thuận với người cho thuê nhà. Trường hợp bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng thì bên cho thuê có quyền quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà.
Trong trường hợp này nếu trong hợp đồng thuê nhà của bạn có điều khoản quy định mục đích thuê nhà là để ở, tuy nhiên người thuê không sử dụng đúng mục đích ghi trong hợp đồng thì bạn có quyền chấm dứt hợp đồng thuê nhà và thu hồi lại nhà đã cho thuê.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn