Người là Kiểm sát viên đồng thời làm trọng tài viên có được không?
Người là Kiểm sát viên đồng thời làm trọng tài viên được không?
Tôi đăng là kiểm sát viên tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, tôi có đủ điều kiện để trở thành một trọng tài viên theo quy định, tôi thấy trọng tài vụ việc không bị gò bó nhiều thời gian. Cho hỏi tôi có thể vừa làm kiểm sát viên vừa làm trọng tài viên được không?
Trả lời: Căn cứ Khoản 2 Điều 20 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:
- Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án.
- Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
=> Như vậy, căn cứ quy định trên và thông tin bạn cung cấp thì bạn đang là kiểm sát viên thì không thể đồng thời làm trọng tài viên, trừ trường hợp bạn nghỉ kiểm sát viên thì có thể trở thành trọng tài viên nếu đáp đủ các điều kiện.
Trọng tài viên là chú của đại diện một bên tranh chấp có bị thay đổi không?
Công ty tôi và công ty đối tác tranh chấp với nhau về hợp đồng thương mại, sau đó chúng tôi thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại tòa trọng tài. Tuy nhiên khi đang giải quyết thì tôi biết được trọng tài viên giải quyết là chú của đại diện pháp luật bên kia. Vậy cho hỏi tôi có quyền yêu cầu đổi trọng tài viên không?
Trả lời: Căn cứ Khoản 1 Điều 42 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định: Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
- Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên.
- Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp.
- Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan.
- Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.
=> Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp là trọng tài viên giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại của bạn là chú của đại diện bên kia, do đó bên bạn có thể yêu cầu thay đổi trọng tài viên này bằng trọng tài viên khác để tiếp tục giải quyết.
Sử dụng ngôn ngữ nước ngoài trong tố tụng trọng tài được không?
Công ty tôi có ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài, sau đó có xảy ra tranh chấp nên chúng tôi quyết định đưa ra giải quyết tại trung tâm trọng tài tại VIAC. Cho hỏi là ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng sẽ sử dụng ngôn ngữ Việt Nam hay sử dụng ngôn ngữ quốc tế? Nhờ tư vấn.
Trả lời: Căn cứ Điều 10 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định:
- Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì được chọn người phiên dịch ra tiếng Việt.
- Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do Hội đồng trọng tài quyết định.
=> Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp là có một bên tranh chấp là công ty 100% vốn nước ngoài, nên việc lựa chọn ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài sẽ do các bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được hoặc không thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài sẽ do Hội đồng trọng tài quyết định.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Lê Bảo Y