Được làm trọng tài viên khi đang là công chức của tòa án hay không?

Được làm trọng tài viên khi đang là công chức tòa án hay không? Phí trọng tài có bao gồm phí chỉ định trọng tài viên? Các bên thỏa thuận chấm dứt giải quyết, Hội đồng trọng tài xử lý thế nào?

Được làm trọng tài viên khi đang là công chức tòa án hay không?

Tôi được tuyển dụng vào công chức và làm công tác Hành chính tổng hợp tại Tòa án nhân dân TPHCM. Tôi có thể vừa làm công chức tòa án vừa làm trọng tài viên thương mại được không? Mong ban biên tập hỗ trợ.

Trả lời: Theo Khoản 2 Điều 20 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:

- Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;

- Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Như vậy hiện nay bạn đang là công chức thuộc Tòa án nhân dân nên bạn không thể làm Trọng tài viên thương mại được.

Phí trọng tài có bao gồm phí chỉ định trọng tài viên?

Tôi có chỉ định trọng tài viên để giải quyết tranh chấp thương mại. Vậy khi trả lệ phí có bao gồm phí chỉ định trọng tài không ạ?

Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 34 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Phí trọng tài gồm:

- Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên;

- Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;

- Phí hành chính;

- Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;

- Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.

Như vậy, theo quy định trên thì phí trọng tài bao gồm phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu các bên tranh chấp. Cho nên, khi bạn chỉ định Trọng tài viên thì chi phí chỉ định này cũng sẽ được tính vào phí trọng tài.

Các bên thỏa thuận chấm dứt giải quyết, Hội đồng trọng tài xử lý thế nào?

Công ty tôi có khởi kiện một công ty đối tác ra trung tâm trọng tài VIAC, để yêu cầu giải quyết tranh chấp về thương mại mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trung tâm trọng tài đã thành lập Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp, nhưng do bên đối tác đã xuống nước nên hai bên cùng thỏa thuận chấm dứt giải quyết để tự giải quyết. Vậy cho hỏi trong trường hợp này Trung tâm tọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết đúng không?

Trả lời: Căn cứ Điều 59 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định đình chỉ giải quyết tranh chấp như sau:

- Vụ tranh chấp được đình chỉ giải quyết trong các trường hợp sau đây:

+ Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

+ Nguyên đơn hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức đã chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà không có cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó;

+ Nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc được coi là đã rút đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này, trừ trường hợp bị đơn yêu cầu tiếp tục giải quyết tranh chấp;

+ Các bên thoả thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp;

+ Tòa án đã quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được theo quy định tại khoản 6 Điều 44 của Luật này.

- Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp. Trường hợp Hội đồng trọng tài chưa được thành lập thì Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.

- Khi có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp, các bên không có quyền khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết lại vụ tranh chấp đó nếu việc khởi kiện vụ tranh chấp sau không có gì khác với vụ tranh chấp trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp quy định tại điểm c và điểm đ khoản 1 Điều này.

Như vậy, căn cứ quy định trên thì khi các bên thỏa thuận chấm dứt giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung hỗ trợ.

Trân trọng!

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào