Thời hạn đăng ký biến động đất đai được quy định như thế nào?
Thời hạn đăng ký biến động đất đai là bao lâu?
Căn cứ Điểm a Khoản 4, Khoản 6 Điều 95 Luật đất đai 2013 quy định về việc đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:
4. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi sau đây:
a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
6. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều này thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động; trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế.
Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có biến động, nếu không thực hiện việc đăng ký đất đai tại Cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền là vi phạm quy định pháp luật. Do đó, bạn đã quá thời hạn đăng ký biến động đất đai.
Mức phạt khi quá thời hạn đăng ký biến động đất đai
Căn cứ Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành vi không đăng ký đất đai như sau:
2. Trường hợp không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, h, i, k và l khoản 4 Điều 95 của Luật đất đai tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động;
b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 95 của Luật đất đai mà không thực hiện đăng ký biến động.
3. Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc người đang sử dụng đất trong các trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Căn cứ Điều 6 Nghị định trên quy định về áp dụng mức phạt tiền như sau:
1. Đối tượng áp dụng mức phạt tiền thực hiện như sau:
a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;
b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức.
2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại các Điều 38 và 39 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.
Theo đó, nếu miếng đất không thuộc khu vực đô thị thì bạn sẽ phị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Trường hợp mảnh đất đó thuộc khu vực đô thị thì bạn có thể bị xử phạt gấp 02 lần là 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra, bạn còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định pháp luật.
Trân trọng!.
Tạ Thị Thanh Thảo