Việc chuyển hồ sơ thanh tra lực lượng Công an nhân dân cho Cơ quan điều tra được quy định thế nào?

Việc chuyển hồ sơ thanh tra lực lượng Công an nhân dân cho Cơ quan điều tra được quy định như thế nào? Quy định về gia hạn thời hạn thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân như thế nào? Xin hãy giải đáp thắc mắc này giúp tôi.

Việc chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác có thẩm quyền 

Căn cứ Điều 20 Thông tư 128/2021/TT-BCA quy định về chuyển hồ sơ thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân cho Cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác có thẩm quyền như sau:

1. Trong quá trình thanh tra hoặc kết thúc thanh tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tội phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị và chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, Người ra quyết định thanh tra chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết. Trưởng đoàn thanh tra phải làm thủ tục bàn giao hồ sơ vụ việc. Biên bản bàn giao hồ sơ vụ việc và văn bản chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra phải được lưu trong Hồ sơ thanh tra.

Quy định về gia hạn thời hạn thanh tra

Theo Điều 21 Thông tư 128/2021/TT-BCA có quy định về gia hạn thời hạn thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an nhân dân như sau:

1. Việc gia hạn thời hạn thanh tra được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Các cuộc thanh tra phức tạp, đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan, đơn vị, địa bàn;

b) Cần lấy ý kiến chuyên môn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân hoặc thực hiện việc trưng cầu giám định các nội dung liên quan đến cuộc thanh tra;

c) Cần phải xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi thanh tra;

d) Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra.

2. Việc gia hạn thời hạn thanh tra do Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định. Việc gia hạn thời hạn thanh tra không vượt quá thời hạn quy định tại Điều 16 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Điều 38 Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 25/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2021). Trường hợp do sự kiện bất khả kháng dẫn đến cuộc thanh tra không thể tiếp tục thực hiện được thì Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định tạm dừng cuộc thanh tra, thời gian tạm dừng cuộc thanh tra không tính vào thời hạn thanh tra.

3. Trưởng đoàn thanh tra có văn bản đề nghị gia hạn thời hạn thanh tra gửi Người ra quyết định thanh tra. Văn bản đề nghị gồm các nội dung sau:

a) Thời gian, địa điểm;

b) Căn cứ pháp lý của việc gia hạn;

c) Lý do gia hạn;

d) Thời gian gia hạn;

đ) Đối tượng gia hạn.

4. Quyết định gia hạn thời hạn thanh tra được thực hiện theo Mẫu số 25 ban hành kèm theo Thông tư số 54/2017/TT-BCA ngày 15/11/2017 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư số 60/2014/TT-BCA ngày 18/11/2014 quy định biểu mẫu sử dụng trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân của Công an nhân dân.

5. Quyết định gia hạn thời hạn thanh tra được gửi cho Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Cơ quan điều tra

Vũ Thiên Ân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào