Người bị tâm thần có đứng tên tài sản thừa kế được không?

Người bị tâm thần có đứng tên tài sản thừa kế được hay không? Người giám hộ cho người tâm thần sẽ là ai? Thưa luật sư, nhà em có 2 anh em, em của em do bị tai nạn từ nhỏ trong lúc vui chơi với bạn bè, bị chấn thương đầu, giờ tuy đã 16 tuổi nhưng thi thoảng lại có dấu hiệu thần kinh không bình thường, không kiểm soát được hành vi, mẹ em hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, rất lo lắng cho em của em và căn dặn để lại toàn bộ tài sản của mẹ có được cho nó, gia đình em cũng đều thống nhất nhưng lo lắng em bị như vậy liệu có đứng tên tài sản thừa kế được không? Và ai sẽ là người giám hộ cho em của em? Mong được các luật sư tư vấn giải đáp. Em cảm ơn.

Người bị tâm thần có đứng tên tài sản thừa kế được hay không?

Theo Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế như sau:

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Ngoài ra theo Điều 22 Bộ luật này quy định: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Như vậy, theo căn cứ trên, đối với người thừa kế là cá nhân thì phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết và không thuộc trường hợp tòa án tuyên bố em của bạn là người mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, em bạn vẫn có quyền thừa kế và đứng tên theo quy định pháp luật.

Người giám hộ cho người tâm thần sẽ là ai?

Tại Điều 52 Bộ luật này quy định về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Trong trường hợp em bạn bị tâm thần thì bạn là anh trai và sẽ là người giám hộ đương nhiên cho em bạn vì em bạn vẫn là người chưa thành niên.

Trân trọng!

Nguyễn Minh Tài

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào