Dịch covid có được xem là sự kiện bất khả kháng không?
Dịch covid có được xem là sự kiện bất khả hay không?
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 về sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra ngoài ý chí của con người khiến chúng ta không thể lường trước và khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép. Theo đó, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Sự kiện xảy ra một cách khách quan hay gọi là sự kiện khách quan, tức sự kiện đó nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng;
- Hậu quả của sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm xảy ra hành vi vi phạm;
- Hậu quả của sự kiện đó không thể khắc phục được mặc dù áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Căn cứ Khoản 4 Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định trường hợp bất khả kháng được miễn trách nhiệm với hành vi vi phạm.
Như vậy, dịch covid đáp ứng các điều kiện trên được xem là bất khả kháng và là căn cứ để miễn trách nhiệm đối với anh Tuấn.
Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng được pháp luật thương mại quy định như thế nào?
Điều 296 Luật Thương mại về kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng quy định như sau:
1. Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
2. Trường hợp kéo dài quá các thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp từ chối thực hiện hợp đồng thì trong thời hạn không quá mười ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại bên từ chối phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
4. Việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ.
Theo đó, việc kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng sẽ được thực hiện theo các quy định nêu trên.
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài