Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm những cơ quan nào? Xác định chi phí tố tụng khi ly hôn với người nước ngoài
Cơ quan tiến hành tố tụng gồm những cơ quan nào?
Xin hỏi luật sư, những cơ quan nào là cơ quan tiến hành tố tụng? Ngoài tòa án, viện kiểm sát ra thì còn cơ quan nào khác nữa không?
Trả lời:
* Cơ quan tiến hành tố tụng dân sự
Theo Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Cơ quan tiến hành tố tụng dân sự gồm có:
- Tòa án;
- Viện kiểm sát.
* Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự
Theo Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gồm có:
- Cơ quan điều tra;
- Viện kiểm sát;
- Tòa án.
* Cơ quan tiến hành tố tụng hành chính
Theo Khoản 1 Điều 36 Luật Tố tụng hành chính 2015, các cơ quan tiến hành tố tụng hành chính gồm có:
- Tòa án;
- Viện kiểm sát.
Xác định chi phí tố tụng khi ly hôn với người nước ngoài
Người Việt Nam muốn ly hôn với người nước ngoài thì chi phí tố tụng được xác định như thế nào?
Trả lời:
Điều 147 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:
Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.
Như vậy, khi ly hôn đơn phương vì bạn là nguyên đơn nên bạn phải nộp án phí sơ thẩm.
Đối với trường hợp ly hôn đơn phương, nếu không có tranh chấp về tài sản thì mức án phí sẽ là 300.000 đồng (Điểm a Khoản 1 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 và Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14).
Trường hợp, vợ chồng khi ly hôn có tranh chấp về tài sản thì sẽ thuộc trường hợp án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 24 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.
Ngoài ra, phải nộp thêm tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài (Điều 151 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Trong đó:
- Tiền tạm ứng chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là số tiền mà Tòa án tạm tính để chi trả cho việc ủy thác tư pháp khi tiến hành thu thập, cung cấp chứng cứ, tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, triệu tập người làm chứng, người giám định và các yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.
- Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước được yêu cầu ủy thác tư pháp.
Tư cách tố tụng của đương sự có bị thay đổi tại phiên tòa sơ thẩm không?
Em là sinh viên Luật năm 2, đang chuẩn bị cho bài thuyết trình sắp tới, tuy nhiên em gặp phải một vấn đề chưa được rõ là tư cách tố tụng của đương sự có bị thay đổi tại phiên tòa sơ thẩm không? Rất mong sớm nhận được phản hồi để em sớm hoàn thành bài thuyết trình. Em cảm ơn!
Trả lời:
Tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định:
Tư cách tố tụng của đương sự được hình thành khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự. Trong đó:
- Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm;
- Bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện;
- Người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ.
Trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện của mình, tuy nhiên bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu phản tố thì lúc này bị đơn trở thành nguyên đơn dân sự và ngược lại, bên nguyên đơn trở thành bị đơn.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn