Đương sự tham gia tố tụng dân sự gồm những ai? Việc thay đổi người tiến hành tố tụng do ai quyết định?
Đương sự tham gia tố tụng dân sự gồm những người nào?
Tôi đang có thắc mắc và muốn nhờ Ban biên tập giải đáp. Cụ thể, cho tôi hỏi: Đương sự tham gia tố tụng dân sự gồm những ai? Mong sớm nhận được sự phản hồi. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Trong tố tụng dân sự thì có vụ án dân sự và việc dân sự. Theo đó, đương sự tham gia trong vụ án dân sự và việc dân sự cũng khác nhau.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định như sau:
* Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong đó:
- Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do pháp luật quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
- Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
* Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong đó:
- Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.
Trên đây là nội dung giải đáp về đương sự tham gia trong vụ án dân sự.
Việc thay đổi người tiến hành tố tụng do ai quyết định?
Chào các anh/chị, vui lòng cho em hỏi: Việc thay đổi người tiến hành tố tụng dân sự có phải do thẩm phán quyết định không? Hay là do ai quyết định ạ? Mong sớm nhận được câu trả lời.
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 47 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định Chánh án Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức công tác giải quyết vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án; bảo đảm thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
b) Quyết định phân công Thẩm phán thụ lý vụ việc dân sự, Thẩm phán giải quyết vụ việc dân sự, Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự; quyết định phân công Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ việc dân sự bảo đảm đúng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này;
c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;
d) Quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch trước khi mở phiên tòa;
đ) Ra quyết định và tiến hành hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật này;
e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật này;
g) Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo quy định của Bộ luật này hoặc kiến nghị Chánh án Tòa án có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
...
Như vậy, Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa thuộc thẩm quyền của Chánh án tòa án. Còn tại phiên tòa, quy định tại khoản 2 Điều 235 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.
Người có yêu cầu phản tố trong tố tụng dân sự có tính nộp tiền án phí không?
Trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Một trong các bên có yêu cầu phản tối với bên còn lại hoặc với người có nghĩa vụ liên quan thì yêu cầu phản tố đó có phải nộp tiền tạm ứng án phí không? Mong sớm nhận phản hồi.
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định:
Điều 146. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí
1. Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Như vậy, theo quy định trên thì yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí bạn nhé.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn