Người được ủy quyền tham gia phiên tòa là gì? Viện kiểm sát có quyền yêu cầu người dân cung cấp tài liệu không?
Người được ủy quyền tham gia phiên tòa với tên gọi như thế nào?
Mình là người được ủy quyền, (người ủy quyền là em của mình) để thay mặt em của mình ra tòa trong vụ việc tranh chấp tài sản. Vậy cho mình hỏi, mình xưng hô với Tòa như thế nào cho đúng?
Trả lời:
Tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
2. Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
3. Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền.
Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án.
4. Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.
Như vậy, trường hợp bạn được em trai ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án tranh chấp tài sản thì bạn là người đại diện, vì bạn chưa nói rõ em bạn là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ án này nên tùy trường hợp mà bạn sẽ xưng hô là người đại diện nguyên đơn/bị đơn với Hội đồng xét xử.
Viện kiểm sát có quyền yêu cầu người dân cung cấp tài liệu không?
Tôi mới nhận được văn bản của Viện kiểm sát quận yêu cầu cung cấp tài liệu có liên quan đến giải quyết một vụ án dân sự. Tôi có nhất thiết phải cung cấp cho Viện kiểm sát không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) thì Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.
Về quyền của Viện kiểm sát trong việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ được quy định tại Điều 106 BLTTDS 2015 theo đó:
....
3. Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
4. Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, khi nhận được yêu cầu cung cấp tài liệu của Viện kiểm sát, bạn có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu theo yêu cầu của Viện kiểm sát thì bạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Nếu bạn không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Kiểm sát viên là người thân của đương sự có được tham gia tố tụng không?
Tôi là nguyên đơn trong một vụ án tranh chấp dân sự được xét xử phúc thẩm, tôi được biết kiểm sát viên tham gia tố tụng sắp tới là người người của bên phía bị đơn. Cho tôi hỏi kiểm sát viên là người thân của bị đơn thì có được tham gia tố tụng không? Xin cảm ơn!
Trả lời:
- Theo Điều 52 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
+ Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
+ Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
+ Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
- Cũng theo quy định trên tại Điều 60 thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
+ Thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 52 của Bộ luật này.
+ Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Như vậy, căn cứ quy định trên thì kiểm sát viên là người thân thích của đương sự thì phải từ chối tiến hành tố tụng, trường hợp không tự giác thì sẽ bị thay đổi theo quy định.
Trên đây là nội dung hỗ trợ.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn