Vụ án hình sự phải có mặt của gia đình bị hại khi thực hiện khám nghiệm tử thi không?

Vụ án hình sự phải có mặt của gia đình bị hại khi thực hiện khám nghiệm tử thi? Vật chứng trong vụ án hình sự được xử lý như thế nào? Thời hạn khởi tố vụ án hình sự?

Vụ án hình sự phải có mặt của gia đình bị hại khi thực hiện khám nghiệm tử thi?

Ban biên tập cho tôi hỏi. Trong vụ án hình sự khi khám nghiệm tử thi thì có bắt buộc phải có sự chứng kiến của gia đình bị hại không? Mong sớm nhận phản hồi. 

Trả lời: Tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định:

1. Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến.

Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

2. Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định.

3. Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh, mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

4. Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc khám khám nghiệm tử thi không bắt buộc phải có sự chứng kiến của gia đình bị hại. Mà chỉ yêu cầu phải có Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cùng cấp để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

Vật chứng trong vụ án hình sự được xử lý như thế nào?

Vật chứng trong vụ án hình sự được xử lý như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Văn Thiết, hiện tôi đang sinh sống và làm việc tại Dĩ An, Bình Dương, vì nhu cầu tìm hiểu tôi có thắc mắc tôi muốn nhờ Ban biên tập giải đáp giúp cụ thể là. Trong quá trình tố tụng vụ án hình sự vật chứng sẽ được xử lý như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!  

Trả lời: Vật chứng trong vụ án hình sự được xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Trên đây là nội dung câu trả lời về việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Thời hạn khởi tố vụ án hình sự 

Tôi và chồng tôi thường có mâu thuẫn và đánh chửi nhau thường xuyên. Vừa qua anh ấy đánh tôi bị thương và chảy máu rất nhiều. Tôi sau đó đã tố giác hành vi của chồng mình. Đã có kết quả giám định sức khỏe bị tổn thương là 38%. Như vậy, cho tôi hỏi: đối với vụ án cố ý gây thương tích thương tật 38% thì thời gian bao lâu thì vụ án được khởi tố ra tòa ạ? 

Trả lời: Căn cứ Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;
...

Trong đó, Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại quy định:

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Trong đó, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

=> Như vậy, việc bạn tố giác chồng mình về hành vi cố ý gây thương tích là căn cứ để khởi tố vụ án.

Theo đó, căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Theo căn cứ trên thì thời gian để cơ quan điều tra ra quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không là 20 ngày. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết xác minh thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng.

Trên đây là nội dung hỗ trợ.

Trân trọng!

Lê Bảo Y

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào