Tặng cho đất của hộ gia đình cho con con nhưng không có sự đồng ý của thành viên ở nước ngoài được hay không?
Tặng cho đất của hộ gia đình cho con con nhưng không có sự đồng ý của thành viên ở nước ngoài được không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai 2013 như sau:
29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 14 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT quy định:
5. Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khi bà nội và các người con tiến hành tặng miếng đất này cho bố của bạn thì bắt buộc phải được sự đồng ý của tất cả đồng sở hữu miếng đất này, bất kể là cô út ở nước ngoài đều phải được sự đồng ý của họ và cùng ký xác nhận vào giấy tặng cho. Cho nên, khi các bên thực hiện thủ tục tặng cho mà không có sự đồng ý của cô út thì văn bản đó sẽ không có giá trị pháp lý, có thể bị hủy và gia đình bạn không được công nhận quyền sử dụng đất.
Điều kiện để tặng cho quyền sử dụng đất
Căn cứ Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo