Cho thuê nhà ký kết hợp đồng cho thuê nhà bằng ngoại tệ có vi phạm pháp luật hay không?
Cho thuê nhà ký kết hợp đồng cho thuê nhà bằng ngoại tệ có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ Khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 quy định như sau:
13. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối
Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”
Căn cứ Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như sau:
Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.
Như vậy, việc các bên trong hợp đồng thuê nhà thỏa thuận định giá, ghi giá bằng ngoại tệ là vi phạm quy định pháp luật, dù có quy đổi giá trị tương đương bằng Đồng Việt Nam. Để hạn chế trường hợp hợp đồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu nếu xảy ra tranh chấp do thỏa thuận giá cả bằng ngoại tệ, các bên nên thỏa thuận đồng tiền thanh toán và thực hiện thanh toán bằng Đồng Việt Nam.
Mức xử phạt với hành vi ký kết hợp đồng cho thuê nhà bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật
Căn cứ Điểm n Khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi ký kết hợp đồng cho thuê nhà bằng ngoại tệ không đúng quy định như sau:
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
n) Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật;
Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Nghị định trên quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền như sau:
a) Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng và đối với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
c) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm của cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô bằng 10% mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này; mức phạt tiền đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, đơn vị phụ thuộc của các tổ chức này bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân là người làm việc tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
d) Thẩm quyền phạt tiền của từng chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.
Theo đó, hành vi ký kết hợp đồng cho thuê nhà bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo