Tiêu thụ tài sản do người dưới 14 tuổi trộm cắp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Tiêu thụ tài sản do người dưới 14 tuổi trộm cắp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như thế nào? Tôi có mua của một cháu 12 tuổi một chiếc điện thoại với giá 8 triệu, tuy có hơi thắc mắc là cháu lấy điện thoại ở đâu nhưng tôi vẫn mua. Mấy hôm sau, người bị mất phát hiện và báo công an. Tuy nhiên, cháu chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Vậy trong trường hợp này, tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không? Xin cảm ơn!

Tiêu thụ tài sản do người dưới 14 tuổi trộm cắp có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Căn cứ Khoản 1 Điều 323 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC quy định về giải thích từ ngữ quy định tại Điều 250, Điều 251 Bộ luật hình sự như sau:

2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.

Theo đó, người phạm tội thực hiện hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với lỗi cố ý; có nghĩa người phạm tội biết rõ đó là tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn tiêu thụ. Trường hợp người tiêu thụ không thể biết được tài sản đó là do người khác phạm tội mà có thì không phạm tội này.

Như vậy, trường hợp bạn là người tiêu thụ không thể biết được chiếc điện thoại đó là do cháu này trộm từ người khác thì bạn không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự 

Căn cứ Điều 29 Bộ luật trên được sửa đổi bởi Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau:

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Truy cứu trách nhiệm hình sự

Tạ Thị Thanh Thảo

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào