Gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có được giảm trách nhiệm hình sự không?
Gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có được giảm trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ Khoản 1 Điều 135 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh:
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Theo đó, người hàng xóm đến nhà hành hung siết cổ bạn và đòi giết bạn, bạn đã vùng ra được và trong lúc hoảng loạn bạn có dùng con dao bấm đâm vào cánh tay phải của nạn nhân. Đây được coi là hành vi Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
Theo Điểm e Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 quy định các tình tiết giảm nhẹ như sau:
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
Như vậy sau khi có kết luận giám định tỷ lệ thương tật của người hàng xóm, tỷ lệ thương tật là 32% nên bạn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 135 BLHS 2015 thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Và bạn sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do phạm tội trong tình trạng kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người hàng xóm gây ra.
Người yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu khởi tố thì người bị khởi tố có phải chịu trách nhiệm hình sự nữa không?
Căn cứ Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định chi tiết về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại:
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như vậy trong trường hợp của bạn, nếu người hàng xóm xin rút đơn yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ được đình chỉ, trừ trường hợp nếu có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo