Vi bằng bị sai lỗi chính tả có sửa được hay không?

Vi bằng bị sai lỗi chính tả có sửa được không? Vi bằng có những nội dung chủ yếu nào? Tôi có yêu cầu lập vi bằng tại một văn phòng thừa phát lại, sau đó tôi phát hiện vi bằng bị sai lỗi chính tả, vậy vi bằng có thể sửa lại được không?

Vi bằng bị sai lỗi chính tả có sửa được không?

Căn cứ Điều 41 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định về sửa lỗi kỹ thuật vi bằng như sau:

1. Trong trường hợp có sai sót về kỹ thuật trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn vi bằng mà việc sửa không làm ảnh hưởng đến tính xác thực của sự kiện, hành vi được lập vi bằng thì Thừa phát lại có trách nhiệm sửa lỗi đó. Việc sửa lỗi kỹ thuật vi bằng được thực hiện tại Văn phòng Thừa phát lại đã lập vi bằng đó.

2. Thừa phát lại thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi nội dung đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của Văn phòng Thừa phát lại.

3. Trong trường hợp vi bằng đã được gửi cho người yêu cầu và Sở Tư pháp thì Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng đã được sửa lỗi kỹ thuật cho người yêu cầu và Sở Tư pháp.

Như vậy, theo quy định như trên, vi bằng có thể được sửa nếu có lỗi kỹ thuật trong khi ghi chép, đánh máy. Tuy nhiên, việc sửa đổi vi bằng không được làm ảnh hưởng đến tính xác thực của sự kiện, hành vi được lập vi bằng .

Vi bằng có những nội dung chủ yếu nào?

Căn cứ Khoản 1 Điều 40 Nghị định này vi bằng được lập bằng văn bản tiếng Việt, có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng;

b) Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

c) Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng;

d) Họ, tên người tham gia khác (nếu có);

đ) Nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;

e) Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;

g) Chữ ký của Thừa phát lại, dấu Văn phòng Thừa phát lại, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng (nếu họ có yêu cầu).

Vi bằng có từ 02 trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự; vi bằng có từ 02 tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ; số lượng bản chính của mỗi vi bằng do các bên tự thỏa thuận.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Vi bằng

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào