Thừa phát lại có được thi hành bản án liên quan đến người thân thích hay không?

Thừa phát lại có được thi hành bản án liên quan đến người thân thích không? Thừa phát lại thi hành bản án liên quan đến người thân thích bị phạt như thế nào? Tôi hiện đang làm thừa phát lại, có một bản án có liên quan đến cậu của tôi là người có quyền lợi liên quan. Vậy tôi có được tham gia thi hành bản án này hay không? Nhờ anh/chị hướng dẫn.

Thừa phát lại có được thi hành bản án liên quan đến người thân thích không?

Căn cứ Điều 4 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định những việc Thừa phát lại không được làm như sau:

1. Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

2. Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

3. Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

4. Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

5. Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định như trên, bạn không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, cụ thể là cậu của bạn. Cho nên bạn không được tham gia thi hành bản án này.

Thừa phát lại thi hành bản án liên quan đến người thân thích bị phạt như thế nào?

Căn cứ Khoản 4 Điều 65 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thanh toán tiền thi hành án không đúng thứ tự, chia tỷ lệ không đúng quy định;

b) Chi tiền mặt không đúng quy định đối với trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài khoản ngân hàng;

c) Thu tiền thi hành án nhưng nộp vào quỹ không đúng quy định;

d) Thanh toán tiền thi hành án không đúng đối tượng; không đúng thời hạn theo quy định;

đ) Xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của thừa phát lại; cháu ruột mà thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

Theo đó, nếu bạn tham gia thi hành bản án mà người thân thích của bạn là người có quyền lợi liên quan, thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra bạn có thể bị tước quyền sử dụng thẻ thừa phát lại từ 06 tháng đến 09 tháng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thừa phát lại

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào