Kết hôn với những người có cùng huyết thống có được hay không?

Kết hôn với những người có cùng huyết thống có được không? Tôi đang học năm thứ tư của Đại học, tôi yêu My là sinh viên năm thứ nhất cùng trường. Khi tôi dẫn My về nhà chơi thì mọi người hỏi thăm mới biết My chính là con đẻ của cô ruột. Xin hỏi, tôi và My có được kết hôn với nhau không? Kết hôn với những người có cùng huyết thống có được không? Nếu kết hôn thì sẽ bị xử phạt như thế nào về hành vi này? Kính mong anh chị luật sư tư vấn. Tôi cảm ơn.

Kết hôn với những người có cùng huyết thống có được không?

Theo Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Đồng thời Khoản 17, Khoản 18 Điều 3 Luật này quy định:

Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau; những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Tình huống bạn đưa ra thì bạn My là con cô ruột, theo đó bạn và My là người có họ trong phạm vi 03 đời, là anh em họ. Vì thế nếu nảy sinh tình cảm thì bạn và My không thể đi đến hôn nhân vì thuộc trường hợp cấm kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Xử lý việc kết hôn giữa những người có cùng huyết thống? 

Căn cứ Khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, căn cứ Khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định:

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định:

a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật.

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Như vậy, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Bố mẹ bạn và bố mẹ My có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa bạn và My theo quy định do việc kết hôn vi phạm điều cấm của Luật hôn nhân và gia đình. Khi việc kết hôn trái pháp luật giữa bạn và My bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Kết hôn

Nguyễn Minh Tài

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào