Tổng hợp những vụ án hình sự bắt buộc phải thực nghiệm hiện trường?
Tổng hợp những vụ án hình sự phải thực nghiệm hiện trường?
Ban biên tập cho tôi hỏi. Tôi thất gần đây trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan công an đã dựng lại hiện trường vụ án. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi. Theo quy định thì những vụ án hình sự nào phải thực nghiệm lại hiện trường vụ án? Mong sớm nhận phản hồi.
Trả lời: Tại Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
- Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.
- Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.
- Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.
Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.
Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.
=> Như vậy, theo quy định trên thì trong quá trình điều tra vụ án hình sự Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường nếu việc dựng lại đó nhằm kiểm tra các tình tiết để giải quyết vụ án hình sự đó.
Vụ án hình sự kháng cáo, kháng nghị sẽ được giảm án phạt?
Cho hỏi: Vụ án hình sự kháng cáo, kháng nghị sẽ được giảm án phạt phải không?
Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có quy định:
Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:
- Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;
- Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;
- Giảm hình phạt cho bị cáo;
- Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
- Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;
- Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì vụ án hình sự sẽ giảm mức xử phạt khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội.
Thời hạn tạm giam bị can để điều tra vụ án là bao lâu?
Cho hỏi: Theo quy định của pháp luật thì thời hạn tạm giam bị can để điều tra vụ án là bao lâu?
Trả lời: Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có quy định:
1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định nh¬ư sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
=> Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn tạm giam để điều tra vụ án hình sự phụ thuộc vào tính chất, mức độ của vụ án hình sự. Luật không có quy định cụ thể về thời hạn tạm giam bị can để điều tra vụ án. Bạn có thể tham khảo quy định trên để xác định thời hạn tạm giam.
Trân trọng.
Lê Bảo Y